Lập vi bằng ghi nhận việc mở niêm phong, kiểm kê tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThừa phát lại lập vi bằng |
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, TPL thuộc Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, khi tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng về việc mở niêm phong, kiểm kê tài sản, TPL cần làm rõ số lượng tài sản cần kiểm kê để thỏa thuận về thời gian, chi phí lập vi bằng cho phù hợp và đề nghị người yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho việc kiểm đếm phù hợp với thời gian đã thỏa thuận.
Khi tiến hành lập vi bằng, TPL chỉ ghi nhận lại một cách khách quan toàn bộ quá trình mở niêm phong, kiểm đếm tài sản của người yêu cầu mà không trực tiếp tham gia việc mở niêm phong, kiểm đếm tài sản. Trường hợp việc mở niêm phong, kiểm đếm tài sản được lập biên bản thì biên bản này sẽ là tài liệu đính kèm vi bằng. Quá trình lập vi bằng, TPL cần quay phim, chụp ảnh toàn bộ quá trình mở niêm phong, kiểm đếm tài sản để đính kèm vào vi bằng.
Ví dụ, anh Nguyễn Văn Hùng yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận việc mở niêm phong, kiểm đếm tài sản tại kho của Cty S. Kho có 03 tầng gồm 15 phòng chứa hàng hóa giày dép, quần áo. Thời gian lập vi bằng theo thỏa thuận là 02 ngày. TPL mô tả vị trí từng phòng được kiểm đếm, thao tác mở niêm phong, cách thức kiểm đếm và trình tự kiểm đếm.
Một trường hợp khác như bà Hoàng Thị Hồng Q đến Văn phòng TPL trình bày về việc chồng bà là ông Nguyễn Văn A (GĐ Cty TNHH M) bị bắt vì tội “Buôn lậu”. Trong quá trình điều tra, CQĐT kết luận, hàng hóa của Cty TNHH M bán trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2017 là hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài về, không có nguồn gốc xuất xứ và cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định sung công quỹ số tiền thu được từ việc bán hàng hóa đó là 03 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế số hàng hóa nói trên đều có hóa đơn xuất ra cho khách hàng đầy đủ. Bà Q đề nghị TPL lập vi bằng ghi nhận lời khai của những người đã mua hàng hóa của Cty TNHH M để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Để lập vi bằng, TPL cần trao đổi với bà Q những vấn đề liên quan đến việc bà Q yêu cầu như: Hiện Cty TNHH M còn lưu giữ hóa đơn chứng từ để khẳng định số lượng hàng hóa bán năm 2016, năm 2017 hay không? Những người đã mua hàng của Cty có đồng ý trình bày và xác nhận vụ việc trên trước mặt TPL hay không?...
Sau khi tiếp nhận thông tin, TPL yêu cầu bà Q cung cấp giấy tờ tùy thân của những người trình bày. Khi tiến hành lập vi bằng, TPL cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của từng người và ghi nhận lời trình bày của từng người một cách khách quan, trung thực và ghi âm, quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ quá trình trình bày. TPL không được đưa ra ý kiến chủ quan của mình trong quá trình ghi nhận.
Bà Quyên lưu ý, TPL không tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND đang thi hành công vụ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định. Vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, TAND, VKSND có thể triệu tập TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, VKSND triệu tập. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại