Lập vi bằng ghi nhận việc giao thông báo theo yêu cầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, Thừa phát lại (TPL) thuộc Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, trong một số trường hợp, nhằm tạo lập chứng cứ trong việc truyền tải thông tin tới người khác để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, các tổ chức, cá nhân đã yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận sự kiện giao văn bản thông báo.
Bà Quyên cho biết thêm, khi nhận được yêu cầu trên, TPL sẽ đi cùng với người giao văn bản thông báo đến địa chỉ của người thứ ba và ghi nhận lại quá trình người giao văn bản thông báo thực hiện mọi công việc cần thiết để giao văn bản thông báo hoặc truyền tải thông tin đến người thứ ba. Trong quá trình lập vi bằng việc giao văn bản thông báo, TPL có thể ghi âm, quay phim lại toàn bộ quá trình giao văn bản thông báo, đính kèm văn bản thông báo, đĩa ghi âm, ghi hình…
Khi lập vi bằng gửi văn bản thông báo thường xảy ra một số trường hợp như: Gặp trực tiếp người nhận thông báo, TPL sẽ ghi nhận quá trình giao nhận văn bản thông báo giữa người giao và người nhận. Nếu các bên lập biên bản về việc giao nhận thì biên bản này sẽ là tài liệu đính kèm vi bằng do TPL lập. Nếu người giao văn bản thông báo không thể giao trực tiếp thì TPL sẽ lập vi bằng về việc giao văn bản thông báo cho người khác ở cùng địa chỉ với người được nhận văn bản thông báo và yêu cầu người đó cam kết giao lại. Trường hợp này, TPL nên hướng dẫn cho người giao văn bản thông báo gọi điện thoại cho người được nhận văn bản thông báo và TPL chụp hình, quay phim lại quá trình liên lạc đó (nếu có số điện thoại).
Trong trường hợp người được nhận văn bản thông báo không có mặt và cũng không thể giao cho người khác thì TPL sẽ lập vi bằng về việc người giao văn bản thông báo dán văn bản thông báo tại cửa nhà của người được nhận thông báo. Công việc của TPL là phải ghi nhận lại toàn bộ quá trình nói trên để chứng minh người giao thông báo đã thực hiện mọi công việc cần thiết để giao thông báo hoặc truyền tải thông tin đến người được nhận thông báo.
Bà Quyên dẫn chứng, trường hợp bà Nguyễn Hồng H đến Văn phòng TPL trình bày về việc vợ chồng bà cho thuê toàn bộ căn nhà tại địa chỉ: số 3, đường K, quận H, TP Hà Nội. Trong hợp đồng hai bên thỏa thuận thanh toán tiền theo quý, thời gian thanh toán chậm nhất là vào mùng 10 của tháng đầu tiên trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, đã quá hai tháng mà bên thuê vẫn không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền. Bà Nguyễn Hồng H đề nghị TPL ghi nhận việc bà gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà đến cho bên thuê.
Đối với vụ việc trên, khi tiếp nhận yêu cầu, TPL yêu cầu bà H cung cấp hợp đồng thuê nhà giữa hai bên, thông báo chấm dứt hợp đồng mà bà H muốn gửi đến bên thuê và hỏi rõ bà H về việc bên thuê là pháp nhân hay cá nhân, địa chỉ hiện tại của bên thuê. Sau đó, tư vấn hướng dẫn cho bà H nơi gửi thông báo phù hợp nhất. Trường hợp bên thuê đang ở trực tiếp tại địa chỉ thuê nhà thì bà H đến giao thông báo ở địa chỉ trên. Nếu bên thuê ở một nơi khác thì bà H có thể đến nơi thuê hoặc địa chỉ nơi ở để giao thông báo với mục đích là phải giao trực tiếp cho bên thuê.
Khi đến địa chỉ giao thông báo, trường hợp bên thuê không có nhà sau nhiều lần đến hoặc cố tình không nhận, TPL ghi nhận việc bà H dán thông báo tại cửa nhà bên thuê. Trong vi bằng cần ghi rõ tên tiêu đề văn bản, cách thức người gửi văn bản, thời gian thực hiện, nội dung văn bản đã được truyền đạt đến người được nhận hay chưa. Đồng thời, kèm theo hình ảnh và văn bản thông báo vào vi bằng.
Hoạt động lập vi bằng giúp người dân bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự | |
Vi bằng và những vấn đề cần lưu ý | |
Lập vi bằng cử người đại diện trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại