Sẽ lấy ý kiến Nhân dân vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐầu năm 2023, lấy ý kiến Nhân dân vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). |
Theo kế hoạch, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau Kỳ họp thứ 4 và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luât tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022).
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân dự kiến trong khoảng từ tháng 1 đến 2/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự Luật, song "có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của Dự án Luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm".
Các vấn đề lớn xin ý kiến Nhân dân sẽ thể hiện bằng văn bản được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận. Đồng thời với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu hai phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.
Việc thực hiện lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện dưới các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua cổng thông tin điện tử và các hình thức phù hợp khác.
Kế hoạch cũng nêu rõ yêu cầu, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại