Thứ hai 25/11/2024 04:35

Hà Nội giám sát chặt chẽ ATTP tại chợ truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để kiểm soát tốt hơn hàng hóa tại các chợ truyền thống, BQL chợ cần phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan, giám sát chặt hàng hóa đưa vào chợ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nỗi lo ATTP tại các chợ truyền thống

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán).

Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô.

Chị Lê Thị Dung (quận Đống Đa) chia sẻ, mặc dù quanh nhà có nhiều siêu thị nhưng hàng ngày chị vẫn có thói quen đi chợ truyền thống. Bởi đi chợ sẽ tiện lợi hơn việc đi gửi xe xong vào siêu thị mua thực phẩm. Khi được hỏi về vấn đề ATTP, chị Dung cho biết, chị cũng lo về vấn đề này. Nhiều khi thấy thực phẩm tươi ngon thì mua chứ không rõ nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập.

Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Một trong những bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành. Bên cạnh đó, sự hiểu biết các quy định về ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế, tình hình mất ATTP vẫn có nguy cơ xảy ra...

Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh ATTP của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chưa đồng đều, phương tiện kiểm tra còn thiếu. Việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, trên thực tế để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài, trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải tạm dừng kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã và đang tích cực tham mưu để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý ATTP, nhất là quản lý các chợ truyền thống. Trong đó phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền quận huyện, xã phường, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể.

Xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP

Nhằm giám sát chặt chẽ ATTP, đến nay đã có 310/454 chợ trên địa bàn TP đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng. Có thể thấy, dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành tăng cường, song việc chấn chỉnh, khắc phục vi phạm vẫn cần tiếp tục được thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn nữa thời gian tới...

Trước thực trạng này, mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025".

Mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về ATTP; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý bảo đảm ATTP tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng ATTP; tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về ATTP giảm 30% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án.

Tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm ATTP, văn minh thương mại theo quy định tại đề án. Đồng thời, rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hàng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ; các đơn vị quản lý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và xử lý nghiêm các vi phạm…

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, BQL chợ truyền thống cần phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan, giám sát chặt hàng hóa đưa vào chợ. Đồng thời, yêu cầu tiểu thương ký cam kết và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá cả; chú trọng kiểm tra nơi tập trung nguồn hàng, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, bảo đảm vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường...
Mô hình “Chợ lưu động” giúp giảm tải cho chợ truyền thống ở Hà Nội
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát ATTP tại các chợ truyền thống
Bài toán cho mô hình cải tạo chợ truyền thống
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động