Thứ hai 25/11/2024 06:21

Bài toán cho mô hình cải tạo chợ truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hiện nay, các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hầu như đều đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời còn làm mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy TP cần những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc, nút thắt hiện nay, trong đó, vẫn phải lấy DN làm trọng tâm, động lực phát triển chứ không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Vẫn “Giậm chân tại chỗ”

Nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc nhưng chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) lại đang trong tình trạng “chết dần chết mòn” mấy năm nay. Bước vào trong chợ, không ai còn nhận ra khu chợ hạng nhất của TP, một thời đông đúc, kinh doanh buôn bán sầm uất. Bây giờ, hàng loạt các ki-ốt phủ bạt, đóng kín, để trơ những thanh giá treo hàng hóa bị han rỉ, xuống cấp. Do vắng người kinh doanh nên chợ trở lên ẩm thấp, tối tăm, vắng vẻ và đìu hiu như “chợ chiều”. “Hiện trong chợ chỉ còn lác đác một vài ki-ốt của những tiểu thương đã nhiều tuổi, chẳng biết đi đâu, làm gì khác còn bám trụ lại” - bác Mai Thị Thu Trà, chủ ki-ốt bán vải tại chợ chia sẻ.

Chợ Ngã Tư Sở chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng “mỏi mòn” chờ được đầu tư nâng cấp. Bởi các dự án đầu tư chợ hiện chưa thực sự tạo được sự đồng thuận giữa bà con tiểu thương với chủ đầu tư. Nguyên nhân là do nhiều DN khi đầu tư sẽ luôn tính đến hiệu quả và lợi nhuận. Đó là lý do khiến các DN thờ ơ, thậm chí còn đòi trả lại dự án cho TP nếu cảm thấy các dự án chợ không đủ hấp dẫn.

Cụ thể như năm 2012, UBND TP đã quyết định cho Cty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest thuê 1.655m2 đất để sử dụng cùng với công trình đã được xây dựng tại số 23 phố Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa (chợ Kim Liên) để quản lý kinh doanh khai thác chợ. Trong quá trình triển khai, Cty đã không có được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh trong chợ, gặp khó khăn trong lên phương án khai thác kinh doanh chợ. Do đó, ngày 21-1-2017, DN đã có văn bản gửi UBND quận Đống Đa, xin trả lại việc quản lý chợ Kim Liên.

Thực tế trong những năm qua, Hà Nội đã thử nghiệm chuyển đổi mô hình chợ và nguồn vốn xã hội hóa nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn: Dự án thu hút được DN đầu tư theo mô hình chợ - trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Gia Thụy… Những mô hình kiểu này đã làm mất đi chợ truyền thống, gây lãng phí đầu tư và bức xúc trong dân. Từ bài học của những ngôi chợ này, nhiều dự án cải tạo, xây dựng mới chợ truyền thống theo hướng kết hợp mô hình sau này đều phải tạm dừng như chợ Ngã Tư Sở, chợ Châu Long... Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ bố trí ngân sách cho các dự án thuộc lĩnh vực thương mại là chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Như vậy, các chợ trên địa bàn Thủ đô không nằm trong đối tượng nêu trên.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng nhất, 65 chợ hạng hai, 311 chợ hạng ba và 63 chợ chưa phân hạng. Tổng diện tích đất chợ trên địa bàn vào khoảng 1.700.000m2 với khoảng 90 nghìn hộ kinh doanh. Hầu hết các chợ đều tồn tại từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị…

Nhiều chợ vắng cả người bán lẫn khách mua, chỉ hoạt động 30-40% công suất, gây lãng phí lớn. Thực trạng này đòi hỏi sự quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp và quản lý chợ đáp ứng các tiêu chí. Nhưng nguồn vốn nào để đầu tư lại là câu hỏi lớn chưa có hồi đáp. Vậy khó lại càng thêm khó, các chợ truyền thống của Hà Nội vẫn phải mòn mỏi đợi chờ kinh phí để nâng cấp chợ, hay một mô hình quản lý mới hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng để bà con tiểu thương yên tâm đầu tư kinh doanh, thu hút DN đầu tư vào xây dựng chợ.

Hiện nay, việc thu hút đầu tư xã hội hóa vào các dự án chợ chưa thu hút được DN. Dẫn đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội còn chậm, có quận huyện không thực hiện được, xin giãn tiến độ, nhất là đối với các chợ ở nông thôn. Theo kế hoạch từ năm 2011, TP sẽ có 88 chợ thực hiện chuyển đổi nhưng đến nay mới chuyển đổi được vỏn vẹn 10 chợ.

cho-nga-tu-so
Chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội, đang bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: V.Khuê

DN làm trọng tâm

Nhìn một cách tổng thể, hiện nay, các chợ truyền thống vẫn đang đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, bởi chợ không chỉ là nơi làm ăn sinh sống của hàng chục nghìn hộ kinh doanh mà còn là nét văn hóa, điểm du lịch đặc sắc của TP, một phần không thể thiếu của đời sống dân sinh. Do đó, chợ cần có được sự quan tâm đầu tư, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, GĐ Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, thực trạng chợ trên địa bàn TP đã ở mức “báo động đỏ” lâu rồi. Xuống cấp nặng nề, không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là trong công tác phòng cháy chữa cháy. Chợ truyền thống cần có những quyết sách mạnh của TP và những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc, nút thắt hiện nay, trong đó, vẫn phải lấy DN làm trọng tâm, động lực phát triển chứ không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Ông Lê Vinh Sơn, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đề xuất, TP cần tìm mô hình quản lý hiệu quả nhất cho chợ truyền thống. Theo ông Sơn, về mặt quản lý hành chính Nhà nước, nên giao hết các chợ về cho chính quyền cấp quận huyện, xã phường để địa phương chủ động, sát sao trong giải quyết những vướng mắc của chợ. Khi đã tìm được chủ đầu tư, có cơ chế hỗ trợ mà trong quá trình hoạt động, DN không đáp ứng được các tiêu chí, hạ tầng của chợ, thiếu năng lực thì TP sẽ thu hồi quyền quản lý khai thác chợ, tiếp tục quay lại tái đấu thầu trên tinh thần hết sức hỗ trợ.

Với một số chợ ở khu vực nông thôn, không đủ sức hấp dẫn DN thì TP nên bỏ ngân sách đầu tư cơ bản trước, rồi tiến hành đấu thầu giao cho DN quản lý, vận hành. Chúng ta phải trao về cho DN, họ vừa làm, vừa quản lý, vừa bảo vệ cơ sở vật chất, tài sản đó. Vì vậy, cần có chế tài chặt chẽ, mạnh mẽ hơn để xử lý và giải quyết dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư khi tham gia dự thầu và trúng thầu. Đồng thời, nên giao cho cấp quận, huyện tổ chức đấu thầu và mời thầu các dự án chợ hạng hai, hạng ba thay cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP.

Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, TP cần tiếp tục chỉ đạo rà soát quy định về phân cấp quản lý Nhà nước về chợ (đặc biệt là trong việc đầu tư, kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu, quản lý hoạt động của các chợ trên địa bàn) theo hướng phân cấp quản lý triệt để, toàn diện trên nguyên tắc: cấp nào thực hiện thuận lợi, hiệu quả thì giao cho cấp đó thực hiện. Trường hợp Chính phủ chưa sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về quản lý chợ hạng 1 thì UBND TP xem xét ủy quyền cho một số quận, huyện quản lý toàn diện, triệt để chợ hạng 1.

TP cần sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công-tư (PPP). Trong trường hợp các chợ trước đây được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo hoạt động mà không kêu gọi xã hội hóa được thì báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo. UBND cấp huyện khẩn trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, trọng tâm vẫn là DN, hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

Đối với vấn đề kêu gọi xã hội hóa, TP phải có cơ chế công khai, tìm kiếm các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực. Có thể cân đối, điều chỉnh các khoản mà DN phải nộp cho nhà nước như tiền thuê đất, thuế, phí… để giúp DN vẫn có lợi nhuận tối thiểu dựa trên các khoản thu từ chợ. Như vậy thì xã hội hóa mới khả thi. Ông Lê Vinh Sơn, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng, khi DN bỏ nguồn vốn lớn vào đầu tư chợ mà các khoản thu lại không đủ thì chắc chắn dẫn đến nợ đọng, phương án kinh doanh thất bại.

Việt Khuê / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động