Ý thức tự giác chấp hành ATGT sẽ tăng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXử phạt qua hệ thống giám sát đầy đủ chứng cứ, minh bạch, rõ ràng |
Hiệu quả từ hệ thống giám sát giao thông
Hiện nay, trên các tuyến cao tốc đều đã có hệ thống camera giám sát, theo đó, các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện đều được ghi nhận với độ chính xác cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông cũng được nâng lên.
Theo Cục CSGT, trong năm 2020, hệ thống camera ghi hình phục vụ phạt nguội trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện trên 120.000 trường hợp vi phạm. Hiện các tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera nhiều nhất như: Nội Bài - Lào Cai, có 110 camera giám sát; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có 11 camera, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lắp đặt 78 camera... TP. Hồ Chí Minh có hơn 800 camera giám sát phục vụ phạt nguội vi phạm giao thông…
Vừa qua, các đội địa bàn của CSGT, Công an TP Hà Nội đã được phân công thêm nhiệm vụ giải quyết tai nạn giao thông trên những tuyến đường được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ này trước đây được giao cho công an các quận, huyện. Nếu không có hệ thống camera ghi hình để phạt nguội, CSGT Hà Nội sẽ khó lòng đảm đương được hết nhiệm vụ như tuần tra, phân luồng, xử phạt, giải quyết tai nạn giao thông…
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết vào ngày 23-2, đơn vị mới báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không phải lập biên bản vì các chứng cứ đã rõ.
Theo đó, việc thí điểm xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát không phải lập biên bản vì các chứng cứ đã rõ, các tài liệu chứng minh ai là người vi phạm và các nội dung khác để ra quyết định xử phạt đều đầy đủ; hình thức phạt bổ sung là trừ điểm vào luật xử lý vi phạm hành chính.
Giảm những bất cập hành chính và nâng cao ý thức của người dân
Thời gian qua, từng có phản ánh về nhiều người phải đi hàng trăm cây số để nộp phạt nguội. Nhất là với vi phạm trên các đoạn cao tốc, vắt qua địa bàn của nhiều tỉnh.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, hạn chế này do quy định của pháp luật, khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản mới ra quyết định xử phạt được.
Thực tế là hình thức phạt qua hệ thống giám sát rất đầy đủ chứng cứ, rõ ràng, minh bạch.
Với hệ thống giám sát, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân sẽ được nâng cao |
Các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý để in ảnh, truy xuất thông tin người và xe; xác định chủ phương tiện, địa chỉ để gửi thông báo xử phạt. Ngoài ra, hiện nay, CSGT cũng áp dụng phạt nguội vi phạm giao thông thông qua ghi nhận, xác minh hình ảnh người dân cung cấp hoặc trên mạng xã hội.
Vì thế, đề xuất của Bộ Công an tới đây sẽ làm thay đổi tư duy phải đến trực tiếp, góp phần xử lý nghiêm minh, giảm thiểu thời gian và đi lại của người dân.
Hiện Cục CSGT đang tổ chức tập huấn quy trình này. Tất cả dữ liệu qua hệ thống giám sát được gửi điện tử trực tiếp từ đơn vị đó tới công an cấp huyện và trước khi gửi phải được xác minh chính xác nơi ở của chủ xe theo hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư để mời chủ xe lên làm việc, xử lý.
Việc theo dõi mang tính thông suốt toàn quốc nên chủ xe không thể trốn tránh được việc xử lý của cơ quan chức năng.
Qua đó, thay đổi tư duy từ phát hiện, từ nhiều thủ tục phức tạp để chống vi phạm, bằng việc phát hiện nhiều vi phạm và xử lý nghiêm minh hơn.
Cũng đồng thời, trong một thời gian dài, không ít người dân có định kiến về “xin - cho” trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu sự tin tưởng vào công tác của lực lượng chức năng, nhiều trường hợp lại muốn nộp phạt cho nhanh không cần biên bản.
Nhưng hệ thống giám sát là máy móc không biết thiên vị, hình ảnh ghi nhận vi phạm cho ra kết quả xử lý công bằng với tất cả. Điều này sẽ khiến người tham gia giao thông tự có ý thức chấp hành nghiêm túc hơn, xóa bỏ tư tưởng "xin – cho" trong vi phạm ATGT.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại