Xử lý gian lận thi cử nhìn từ các vụ việc quốc tế liên quan
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ điểm nhìn mang tên các phụ huynh
Những ngày này, giáo dục nước Mỹ cũng đang chấn động bởi vụ gian lận thi cử, trong đó là hàng loạt con nhà nhân vật tầm cỡ được “chạy” để được vào các trường ĐH uy tín. Cần nói thêm rằng, giáo dục ĐH Mỹ luôn xếp top 1 thế giới, với nhiều trường ĐH danh tiếng, khi mà họ chưa bao giờ muốn nhường vị trí số 1 của các bảng xếp hạng uy tín cho bất cứ ĐH đến từ quốc gia nào khác.
Theo CNN nhận định: Đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất từng bị truy tố ở Mỹ. Nước Mỹ mất 2 năm để điều tra và đưa 50 người, trong đó có 33 phụ huynh ra tòa vì gian lận; sinh viên bị đuổi học nhưng không phải đối diện các vấn đề pháp lý. Thậm chí, theo NBC News, cuộc điều tra có sự tham gia của hơn 200 đặc vụ, phân bố trong sáu bang. Báo này dẫn lời điều tra viên cho rằng: "Các bậc cha mẹ giàu có đã trả hàng nghìn USD cho một người đàn ông ở California để hắn đưa con cái họ vào học tại các trường ĐH ưu tú, như Yale và Stanford bằng nhiều hình thức gian lận khác nhau".
Các cách gian lận rất đa dạng, bao gồm sửa điểm, nhờ người thi hộ, chỉnh sửa hồ sơ để được vào trường nhờ năng khiếu thể thao (các trường ĐH của Mỹ thường ưu tiên học sinh có thành tích thể thao vượt trội).
Khi vụ điều tra hoàn thiện, đường dây chạy ĐH bị phanh phui, những ai bị cáo buộc và liên đới pháp luật? Thông tin trên một số tờ báo tại quốc gia này cho biết: Trong số 50 người đối mặt với các cáo buộc, 33 người là cha mẹ và chín người là huấn luyện viên ĐH. Những người còn lại là quản trị viên kiểm tra tiêu chuẩn, một giám sát viên kiểm tra và các cộng sự của của ông trùm Singer – người đứng đầu đường dây chạy điểm ĐH.
Còn với vụ việc gian lận điểm thi ở Việt Nam: Những cá nhân trực tiếp sửa điểm, can thiệp quá trình nhập giữ liệu, bảo quản bài thi đã bị khởi tố hình sự, các học sinh có điểm được nâng đã bị xóa kết quả, thay bằng điểm chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT. Các em nhập học bằng điểm nâng đa phần đã bị buộc thôi học, theo đúng quy chế tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Chỉ có duy nhất một điểm, cho đến nay CQĐT vẫn chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận điểm thi, trong khi đây là vấn đề dư luận rất lưu tâm. Rất nhiều ý kiến cho rằng: Phải làm đến cùng trách nhiệm của những phụ huynh có tham gia can thiệp nâng điểm cho con.
Tại cuộc làm việc của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội với đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Công an, sau khi Bộ GD&ĐT báo cáo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề xử lý gian lận thi cử và chấn chỉnh kỳ thi THPT quốc gia, Ủy ban dự kiến có kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc này.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – Phan Viết Lương nêu ý kiến: Với vụ việc ở Hà Giang, CA tỉnh đã kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận thi cử, làm thay đổi điểm của 114 thí sinh.
Gian lận thi cử dù ở bất cử quốc gia nào, dù có nền giáo dục tiên tiến hay chưa cũng là vấn đề khó tránh khỏi. Ảnh minh họa |
Quá trình điều tra không thể vội vàng
Rõ ràng, sự quan tâm của dư luận đến vấn đề gian lận thi cử dù ở quốc gia nào cũng rất lớn. Năm 2018, dư luận châu Á và thế giới cũng quan tâm đến việc ĐH Y Tokyo, Nhật Bản, bị cáo buộc đã sửa điểm thi tuyển sinh của hàng loạt sinh viên, nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh theo học tại trường.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, ĐH Y Tokyo, một trong những trường đào tạo y khoa uy tín nhất của Nhật Bản, bắt đầu thay đổi kết quả tuyển sinh từ năm 2011 để khống chế tỷ lệ thí sinh nữ trúng tuyển dưới 30%. Trong khi đó lãnh đạo trường này lại bị cho là đã nhận hối lộ từ Futoshi Sano, một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục, để nâng điểm tuyển sinh cho con trai ông này.
Khi các ĐH tại Việt Nam bắt đầu hướng xử lý với thí sinh trong diện nâng điểm, nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao đã gần hết năm học mới có kết quả điều tra. Nhưng rõ ràng, với sự việc tương tự, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không thể vội vàng, quy trình điều tra không thể xong trong một hai tuần. 200 đặc vụ Mỹ phải mất 2 năm để có đủ chứng cứ đưa đường dây chạy điểm thi ĐH của nước này ra ánh sáng.
Như vậy, với 12 thí sinh trong danh sách nâng điểm vẫn đang học ĐH ở Việt Nam – vì điểm chấm thẩm định của họ vẫn đủ đỗ, chúng ta cũng không thể vội vàng. Phải có các chứng cớ liên quan, thì mới có hướng xử lý phù hợp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, sau khi có kết quả điều tra sẽ xem xét tiếp tục xử lý. Rõ ràng, không thể vội vàng được.
Nhưng từ những vụ gian lận này, chúng ta có thêm bài học kinh nghiệm sâu sắc, để có sự chuẩn bị tốt nhất về con người, về quy chế, chế tài để hạn chế tối đa gian lận thi cử trong thời gian tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại