Thứ bảy 25/01/2025 03:33

Vụ "chuyến bay giải cứu": Hơn 100 luật sư tham gia bào chữa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 30 ngày. Trong vụ án, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Vụ
Các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" sáng 11/7

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, 1 bị cáo cùng lúc bị đưa ra xét xử về 2 tội là “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong 54 bị cáo, 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và có tới 18 bị cáo bị xét xử theo khoản 4, Điều 354 – BLHS với khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đưa vụ án ra xét xử, TAND TP Hà Nội đã triệu tập hơn 30 người làm chứng, 16 công ty và hơn 40 cá nhân có liên quan. Vụ án có hơn 100 luật sư tham gia bào chữa. Trước đó, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì có 105 luật sư nhưng nhiều luật sư đã thôi tham gia phiên tòa do một số bị cáo từ chối.

Trong số đó, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có 3 luật sư bào chữa; Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) có 2 luật sư bào chữa; Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) có 3 luật sư bào chữa… Riêng bị cáo Phạm Bích Hằng (Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế) được Tòa án chỉ định luật sư bào chữa.

Cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng có 3 luật sư bào chữa là Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Công ty Luật TNHH Một thành viên InvesPro; Chu Thị Trang Vân - Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng Sự và Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng Luật sư Giang Thanh - đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Vụ
Các luật sư tham dự phiên xét xử

Theo cáo trạng của VKSNDTC, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.

Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Trong vụ án này, VKSND xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc tham mưu cấp phép các chuyến bay theo quy trình: Tại nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tập hợp công dân Việt Nam có nhu cầu đăng ký về nước báo cáo về Phòng Bảo hộ công dân ở trong nước để lập kế hoạch tổ chức đón về; hỗ trợ công dân ở nước ngoài về thông tin, thủ tục mua vé máy bay về nước, làm thủ tục xuất cảnh tại nước sở tại.

Ở trong nước, Phòng Bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự do Lưu Tuấn Dũng làm Phó Trưởng phòng là đầu mối tiếp nhận báo cáo của các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và tiếp nhận hồ sơ xin tổ chức chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Sau đó tập hợp, dự thảo kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu, combo theo tháng, quý trình lãnh đạo Cục Lãnh sự duyệt để trình Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) ký văn bản gửi Tổ công tác 4 Bộ liên quan.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ Ngoại giao tập hợp trình Chính phủ phê duyệt. Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân về nước bao gồm 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay Combo.

Quá trình được giao thực hiện nhiệm vụ trên, bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch Covid-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.

Theo cáo trạng, quá trình điều tra, gia đình ông Dũng đã nộp lại 50.000USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính (khoảng 1,7 tỷ đồng). VKS cũng đánh giá, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

Quá trình công tác, ông Dũng có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen...

Vụ "chuyến bay giải cứu": Cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội được học trò cũ bào chữa tại tòa
Luật sư Trịnh Văn Tuyến tham gia bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng

Luật sư Trịnh Văn Tuyến là học trò cũ của bị cáo Chử Xuân Dũng. Theo thông tin từ luật sư, năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, bị cáo Dũng được phân công về Trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) công tác.

Tại ngôi trường này, bị cáo Dũng được phân công làm chủ nhiệm lớp mà luật sư Tuyến theo học trong suốt 3 năm học phổ thông. Năm 1998, bị cáo Dũng chuyển công tác, xuống giảng dạy tại Trường THPT Chu Văn An Hà Nội và sau đó có nhiều năm giữ chức Hiệu trưởng ngôi trường danh giá này.

"Tôi chính là thế hệ học trò đầu tiên và "đầu tay" của thầy Chử Xuân Dũng. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cách nay 26 năm, hàng ngày, thầy Dũng cứ lóc cóc, đều đặn đạp chiếc xe cũ rích từ Đông Anh lên Sóc Sơn dạy dỗ chúng tôi. Và chính thầy là người đầu tiên đem đến ngôi trường cấp 3 ngoại thành Hà Nội những khái niệm về tin học cũng như công nghệ thông tin" - luật sư Tuyến chia sẻ.

Được hỏi về cảm xúc, cảm giác khi tham gia phiên tòa với vai trò luật sư bào chữa cho chính người thầy năm xưa của mình, vị luật sư này chậm rãi: "Rất đau buồn và rất lấy làm tiếc. Không ai có thể ngờ được là thầy trò lại phải gặp nhau trong hoàn cảnh này".

Chia sẻ thêm về cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội bên lề phiên xử chuyến bay giải cứu, luật sư Tuyến cho biết, quá trình điều tra, bị cáo Dũng rất thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và luôn day dứt về hành vi của bản thân. Hiện, bị cáo vẫn đang tích cực tác động gia đình, người thân để ngay trong phiên tòa sơ thẩm này sẽ khắc phục hết số tiền bị cáo buộc hưởng lợi bất chính.

Sắp xét xử vụ Sắp xét xử vụ "Chuyến bay giải cứu"
Vụ Vụ "chuyến bay giải cứu": 18 người bị truy tố tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động