Vĩnh Phúc: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện xử lý các hành vi vi phạm, nhằm bình ổn thị trường, hạn chế gian lận thương mại. Ảnh minh họa |
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh
Sáng 9/12, thông tin về công tác quản lý thị trường đến các phóng viên tại buổi họp báo tháng 12/2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
Riêng mặt hàng xăng dầu do tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục xung đột phức tạp dẫn đến nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, giá xăng dầu biến động liên tục đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thị trưởng và công tác bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
“Giá cả một số mặt hàng, dịch vụ có biến động theo giá cả trong nước và trên thế giới; xăng dầu, gas có sự biến động giá tăng, giảm trong các đợt điều chỉnh của cơ quan chức năng; các mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng vẫn đang giữ ở mức giá cao do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình bắt đầu tăng mạnh trong những tháng cuối năm” - ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc nói.
Ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc thông tin về tình hình kinh doanh thương mại cũng như công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022. |
Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng vẫn được duy trì, giá cả một số mặt hàng tươi sống như thịt lợn, thịt gà, các mặt hàng lương thực và rau xanh cơ bản ổn định.
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 60.328,288 tỷ đồng, tăng 20,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 53.766,778 tỷ đồng tăng 20,40% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.110,921 tỷ đồng, tăng 21,89%; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước tính đạt 2.341,348 tỷ đồng, tăng 14,99%.
Đảm bảo cân đối cung cầu
Tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và tăng khá. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh thương mại được đẩy mạnh thực hiện. Các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tích cực đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng và gia tăng sức mua.
Sở Công Thương Vĩnh Phúc cũng triển khai thực hiện tốt kế hoạch số 100/KH-SCT ngày 04/11/2022 về Bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2033.
Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu UBND tỉnh phương án tháo gỡ khó khăn phát sinh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm của tỉnh.
Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cả nhân có hành vi vi phạm.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt Văn bản số 6071/UBND-KT4 ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường trong thời gian tới và văn bản số 1625 SCT-QLTM&HTQT ngày 10/10/2022 về triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trong 11 tháng năm 2022, lực lượng chức năng cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm đấu tranh với các hiện tượng, hành vi vi phạm. Cụ thể, lục lượng chức năng tiến hành tổng số 773 vụ thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc kinh doanh thương mại trên địa bàn diễn ra đúng các quy định pháp luật. Trong đó, kiểm tra theo Kế hoạch định kỳ 465 vụ; Kiểm tra theo Kế hoạch chuyên đề 262 vụ; Kiểm tra đột xuất 46 vụ.
Qua đó phát hiện tổng số vụ vi phạm 105 vụ, tiến hành xử lý 104 vụ vi phạm (116 hành vi). Tổng số tiền nộp NSNN là 1.015.898.000 đồng, trong đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 894.645 .000 đồng; Tổng số tiền bán hàng tịch thu trong kỳ là 117.230.000 đồng; Tổng số tiền thu lợi bất chính buộc nộp lại: 4.023.000 đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu trong kỷ: 249.080.000 đồng; Trị giá hàng tiêu huỷ trong kỷ: 473.026.000 đồng.
Về các hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng xác định, với hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu: 12 hành vi, phạt tiền: 96.500.000 đồng; Vi phạm về hàng giả và quyền Sở hữu trí tuệ (buôn bán, trưng bày để bản hàng hoá giả mạo nhãn hiệu), phát hiện 27 hành vi, phạt tiền: 401.500.000 đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại