Việt Nam có vị thế tốt thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐầu tư vào BĐS vẫn được coi là kênh an toàn, bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: K.H |
BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn, bền vững
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong những tháng cuối năm 2021, số lượng doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 DN (chiếm 13,7%). Bên cạnh đó, số lượng DN Kinh doanh BĐS thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh, các DN gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên một số DN BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các Cty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp DN BĐS niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.
Đánh giá tình hình thị trường BĐS những tháng cuối năm của Bộ Xây dựng cho thấy, từ đầu tháng 10-2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19 tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó sẽ có xu hướng rót về BĐS, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Phan Long, những đe dọa từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều DN thích nghi với môi trường kinh doanh mới, nhất là trong lĩnh vực BĐS, từ đó đã biến thử thách thành cơ hội. Điều này thể hiện rõ qua phân tích từ Bộ Tài chính về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Cụ thể, tính đến tháng 9-2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh BĐS tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9 năm 2021 từ 0,6 tỷ USD đến 1,78 tỷ USD. Theo đó, vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực BĐS cũng có xu thế tăng dần theo quý. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh BĐS.
Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 11.615 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên). Căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2): Các DA nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các DA tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện tại Hà Nội như, DA Rose Town tại số 79 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai giá rao bán khoảng 26 triệu đồng/m2, DA chung cư Bình Minh Garden tại đường Đức Giang, Phường Đức Giang, Long Biên có giá rao bán khoảng 26,3 triệu đồng/m2...
Giá đất nền tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số DA, khu vực tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5.
Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường BĐS? Theo chuyên gia kinh tế Vũ Hải Anh, chúng ta cần song song thực hiện cả hai biện pháp vĩ mô và vi mô. Ở cấp vĩ mô, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính... cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công.
Nghiên cứu, rà soát các vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Còn ở cấp vi mô, các địa phương cần thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các DA nhà ở, DA BĐS đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường BĐS. Công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng và các DA BĐS đã được phê duyệt, các chủ đầu tư DA đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá BĐS để thu lợi bất chính.
Lãnh đạo địa phương chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các DA nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh BĐS không đúng quy định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các DA đầu tư xây dựng khu đô thị, DA phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Dư nợ tín dụng đối với các DA văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 73.833 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại