Thứ hai 25/11/2024 09:27

Vì sao cần có Tòa gia đình và người chưa thành niên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Từng đỗ vỡ trong hôn nhân, anh Nguyễn Văn H và chị Trần Thu L đồng cảm. Chênh nhau vài tuổi, họ cũng hòa hợp trong quan điểm, suy nghĩ. Ấy vậy mà, việc bắt đầu lại với cặp vợ chồng này vẫn… khó.

Anh H là người TP HCM, chị L quê ở Hà Nội. Cùng làm việc tại chi nhánh một Cty có trụ sở chính ở TP HCM, họ biết nhau, tỏ tường hoàn cảnh của nhau. Rồi hai người quyết định tái hôn. Anh H chia sẻ, anh từng cảm thương người phụ nữ dáng vẻ hao gầy, chịu bao cực nhọc khi chung mái nhà với một người đàn ông thiếu trách nhiệm. Không tu tỉnh làm ăn, chồng cũ của chị L còn mê mải cờ bạc. Vợ khuyên, gia đình góp ý nhưng ông chồng cũ của chị vẫn “chứng nào tật ấy”. Bao bận, chị L phải đứng ra thay chồng trả nợ để không bị đám người đòi nợ thuê phiền nhiễu. Rồi dần dà, anh H “phải lòng” nữ đồng nghiệp.

Vợ chồng chị L tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: Hoa Đỗ

Còn anh, chị cũng tường tỏ gia cảnh. Anh ly hôn vợ từ năm 2000 và có một con chung. Hai vợ chồng chia tay cũng bởi người vợ thiếu săn sóc, vun vén cho gia đình. Chị L thương anh hiền lành lại “cảnh gà trống nuôi con”.

Năm 2009, anh H, chị L tổ chức hôn lễ trang trọng, trước sự chúc phúc của hai bên gia đình. Khi anh và chị đều thăng tiến trong công việc, những tưởng mái ấm của họ thêm bền vững. Ai dè, chồng ở Nam, vợ nơi Bắc thì mâu thuẫn nảy sinh.

Như trình bày của chị, hai vợ chồng đều có vị trí quan trọng tại Cty. Chị là chuyên viên tài chính rồi giữ chức GĐ tài chính. Anh H cũng được bổ nhiệm làm trưởng đại diện Chi nhánh tại TP HCM. Từ đó, anh H vào TP HCM đảm đương cương vị mới.

Ban đầu, sự cách trở vùng miền không làm tình cảm vợ chồng vơi nhạt. Giãi bày trước tòa, anh H nói, chúng tôi đã từng hạnh phúc. Mặc dù công tác tại TP HCM nhưng tuần nào anh cũng ra Hà Nội với vợ, con. Thời gian này, anh chị đã có một bé trai kháu khỉnh nhờ thụ tinh nhân tạo. Khi con trai được hơn một tuổi, chị và anh tiếp tục ra nước ngoài để nhờ sự can thiệp của y học vì cả hai muốn có thêm bé gái. Nhưng lần này, may mắn không mỉm cười, chị H sảy thai. Nỗi thất vọng đè nặng khiến chị L buồn rầu. Vì thế mà người phụ nữ này cũng hay cáu bẳn hơn. Phần anh, thương vợ nhưng không thường xuyên ở bên cạnh để vỗ về. Người vợ vốn nhạy cảm lấy đó làm cái cớ giận chồng. Cũng từ những chấp nhặt ấy mà khoảng cách giữa hai người càng xa dần. Chán cảnh gặp mặt là than phiền, trách móc, anh H thi thoảng mới ra Hà Nội đoàn tụ với gia đình. Cho rằng, chồng “ngãng ra”, chị L sống ly thân từ tháng 8-2014. Khi không thể hàn gắn được hạnh phúc, anh H chủ động đứng đơn xin ly hôn và gửi tới TAND quận Hai Bà Trưng.

Năm 2015, tại phiên tòa sơ thẩm xem xét yêu cầu được ly hôn của người chồng, TAND quận Hai Bà Trưng tuyên thuận tình để anh và vợ “đường ai nấy đi” cùng với phán quyết chị được chăm sóc bé trai (con chung của hai người).

Nhưng đáng nói, từ giai đoạn hoà giải đến khi ra tòa sơ thẩm, chị L một mực không muốn ly hôn. Chị nói, không mong cảnh con trai thấy cảnh bố mẹ “tan đàn sẻ nghé”. Bởi vậy, chị đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm để níu kéo hạnh phúc.

Tại phiên xét xử phúc thẩm của TAND Hà Nội lần này, chị L nhất quyết bảo vệ gia đình, muốn hai vợ chồng nối lại tình xưa. Như lời chị, nguồn cơn sự thay đổi của chồng không phải ở mình mà vì chồng “vắng trăng thì đã có sao”. Người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân này là một nữ luật sư. “Thực chất, anh ấy đã có người đàn bà khác. Người này đã ly hôn nên anh ấy đòi bỏ tôi để đến với chị kia”, chị L cất giọng xúc động. Nhưng người vợ này cho rằng, đó chỉ là phút xao lòng của anh nên mong anh nghĩ lại mà quay về với vợ con.

Để “giữ lửa” gia đình, chị đã không ít lần điện thoại cho “tình nhân” của chồng nói chuyện. Chị L cũng thiết tha mong tòa xem xét để vợ chồng có cơ hội làm lại. HĐXX hỏi về mối quan hệ ngoài luồng của chồng, chị L đưa ra bằng chứng là những bức thư điện tử liên lạc giữa hai người.

Đứng ngay cạnh vợ, anh H tỏ ý không hài lòng trước lời chị khai. Phản bác lại, anh H phủ nhận việc có người đàn bà khác. Dừng lại đôi phút, anh tâm sự, nguyên do của việc cương quyết ly hôn với chị L là xuất phát từ cách hành xử không đúng mực của vợ. “Cô ấy ghen tuông vô cớ. Có lần, tôi đang họp với đối tác, chị nhắn tới 40 tin tới điện thoại của chồng với những lời lẽ ghen tuông” – người đàn ông này cho hay. Anh H cho rằng, không người đàn ông nào chịu đựng được sự quan tâm thái quá ấy. Như lý giải của anh, là vợ chồng cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Một nguyên do khác khiến anh không còn muốn chung sống với chị L vì vợ đã xúc phạm tới gia đình mình. “Bố mẹ tôi không chấp nhận cô ấy là con dâu nữa”, người đàn ông này giọng ngắt quãng. Hơn nữa, những ngày sau phiên xử sơ thẩm, anh muốn qua lại thăm con trai nhưng chị L đều tìm cách ngăn cản. Vì lẽ đó, khi HĐXX hỏi về mong muốn được đoàn tụ của vợ, anh dứt khoát: “Tôi nhất quyết ly hôn”.

Trong khi chị L chỉ muốn níu giữ chồng, vị chủ tọa hỏi: “Kẻ Nam người Bắc, liệu anh chị có giữ được hạnh phúc gia đình hay không?”. HĐXX phân tích, bản thân chị, từ lúc ly hôn đến giờ chưa một lần đưa con vào TP HCM thăm bên nội, chỉ vì hai chữ “tự ái”; điều này khiến tình cảm vợ chồng càng xa cách. Do đó, TAND TP Hà Nội bác đơn kháng cáo của chị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

(Còn nữa)

Hoa Đỗ

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động