Tuyển sinh ĐH năm 2021: Nhiều trường “săn” học sinh giỏi và giỏi ngoại ngữ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênƯu tiên học sinh giỏi nhất cấp trường
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) đã công bố các phương thức xét tuyển hệ đại học chính quy năm 2021. Theo đó, nhà trường tiếp tục tuyển sinh với 5 phương thức và đa dạng hình thức như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Đáng chú ý năm nay, Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) mở rộng thêm đối tượng tuyển sinh tuyển thẳng là những thí sinh giỏi nhất của các trường THPT cùng với việc tăng cường thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nâng cao chất lượng đầu ra của trường.
|
Còn Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) lại công bố thông tin tuyển sinh Đại học chính quy năm 2021 với cả thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài. Theo đó, với cơ sở đào tạo tại TP.HCM, nhà trường tuyển sinh 5.850 chỉ tiêu theo 6 phương thức: (1) Xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, (2) Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, (3) Xét tuyển học sinh Giỏi, (4) Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, (5) Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; (6) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trong đó, với phương thức 2 (xét tuyển là các em học sinh đã tốt nghiệp các chương trình THPT nước ngoài và có các chứng chỉ quốc tế), PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng đào tạo cho biết: Trong điều kiện hạn chế giao thông quốc tế và sự bất định do đại dịch Covid-19, sự lựa chọn và quyết định học tập của các em đã tốt nghiệp những chương trình THPT nước ngoài chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi.
Vì vậy, UEH đã bổ sung thêm phương thức 2 nhằm đa dạng hoá các phương thức và đối tượng xét tuyển, tăng thêm cơ hội học tập tại UEH cho những thí sinh yêu thích và có nhu cầu.
Giỏi ngoại ngữ nhận nhiều ưu tiên xét tuyển
Nhiều trường ĐH có xu hướng tập trung tuyển chọn thí sinh giỏi ngoại ngữ. Trong đó, phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ SAT, A-Level. Thậm chí có trường nhận cả thí sinh có tổng điểm thi thấp hơn nhưng giỏi ngoại ngữ.
ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố phương án xét tuyển năm 2021. Theo đó, trường sẽ xét tuyển theo 3 phương thức trong đó có phương thức xét tuyển thẳng hồ sơ năng khiếu dành cho đối tượng là học sinh lớp chuyên với học lực giỏi, học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, chứng chỉ SAT, A-Level.
Năm 2021, ĐHQG Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển theo phương thức tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương.
Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân áp dụng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5+, TOEFL ITP 550+, TOEFL iBT 90+ và có tổng điểm thi THPT năm 2020 của môn Toán và 01 môn bất kỳ (trừ môn tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên) sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Theo lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương, về chủ trương, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020 bao gồm:
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT và Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định riêng của trường.
|
Sở dĩ các trường đều có ưu tiên cho học sinh giỏi ngoại ngữ là vì: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT các năm qua cho thấy tỷ lệ thí sinh sử dụng tổ hợp môn có tiếng Anh để xét tuyển chưa nhiều. Trong khi đó, các trường ĐH đang thực hiện nhiều chương trình chất lượng cao và bằng quốc tế. Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên phải đạt trình độ nhất định đủ để theo học, tiếng Anh từ 5.0 hoặc 5.5 IELTS hoặc tương đương. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này.
Không chỉ điều kiện bắt buộc trong dự tuyển đầu vào, việc học tập trong các hệ này cũng yêu cầu thông thạo tiếng Anh. Sinh viên cần nhiều kỹ năng tiếng Anh chuyên sâu để trực tiếp nghiên cứu và phát triển chuyên môn.
Việc điều chỉnh chính sách tuyển sinh đầu vào ưu tiên người giỏi ngoại ngữ nhằm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới, nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường và cũng để tăng chất lượng hệ đào tạo, tăng hợp tác quốc tế cho bản thân các trường.
Tuyển sinh ĐH năm 2021: Tăng những chính sách hỗ trợ để hút thí sinh Bên cạnh việc công bố đề án tuyển sinh năm 2021 sớm, nhiều trường ĐH cũng công khai luôn chính sách ưu đãi hấp dẫn ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại