Truy tố 10 bị can trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo cáo trạng, đầu tháng 2-2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế TP Hà Nội đã giao nguồn kinh phí bổ sung hơn 31 tỷ đồng cho CDC Hà Nội và giao đơn vị này làm chủ đầu tư gói thầu số 15 mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ chống dịch, trong đó có hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR.
Bằng hình thức chỉ định thầu, CDC Hà Nội sau đó đã chỉ định thầu cho Cty MST trúng thầu với giá 9,54 tỷ đồng. CQĐT xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR hiệu Qiagen có giá trên thị trường hơn 4 tỷ đồng nhưng các bị can đã câu kết, mua bán lòng vòng rồi nâng giá lên đúng với mức giá CDC Hà Nội mua vào.
Trụ sở CDC Hà Nội. |
VKSND TC nhận định, Nguyễn Nhật Cảm với vai trò GĐ CDC Hà Nội, có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu số 15 theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế gói thầu số 15 với các bị can Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh, ấn định mức giá gói thầu số 15 là 9,54 tỷ đồng.
Trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường, bị can Nguyễn Nhật Cảm là người trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với Nguyễn Trần Duy, TGĐ Cty thẩm định giá Nhân Thành, để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức giá do CDC Hà Nội yêu cầu, ghi lùi ngày để hợp thức các thủ tục chỉ định thầu. Ông Cảm cũng là người chỉ đạo các cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu gói thầu số 15 để chỉ định Cty MST trúng thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền khai, có sự bàn bạc thống nhất về việc sẽ chi 10% giá trị hóa đơn hệ thống máy Realtime PCR tự động cho Nguyễn Nhật Cảm trước khi gặp ông này thỏa thuận giá mua bán. Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Nhật Cảm cũng khai khi gặp gỡ trao đổi về giá thiết bị, Nguyễn Ngọc Nhất có nói sẽ chi phần trăm giá trị gói thầu cho CDC Hà Nội, nhưng Nguyễn Nhật Cảm không nhớ rõ là bao nhiêu phần trăm.
CDC Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bị can bồi thường 5,4 tỷ đồng. Hiện, Nguyễn Ngọc Nhật và gia đình các bị can trong vụ án đã xin nộp đủ số tiền để khắc phục thiệt hại trong vụ án.
Ngoài cáo buộc ông Cảm cùng đồng phạm câu kết nâng khống giá thiết bị y tế gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng ở gói thầu số 15, cáo trạng nêu CDC Hà Nội còn thực hiện nhiều gói thầu tương tự có dấu hiệu tội phạm. Theo đó, từ năm 2019 đến tháng 3, CDC Hà Nội đã thực hiện đấu thầu đối với 16 gói thầu mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao với tổng trị giá hơn 81 tỷ đồng. CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu gần 70 tỷ đồng. Còn 2 gói thầu thiết kế, in ấn các tài liệu và gói phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trị giá gần 2 tỷ đồng cũng được đơn vị này thực hiện. Trong đó, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu hơn 1,3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng nhận thấy, các hoạt động đấu thầu nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, ngày 12-9, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Các bị can bị VKSND TC truy tố gồm: Cựu lãnh đạo, cán bộ CDC Hà Nội: Nguyễn Nhật Cảm, cựu GĐ CDC; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Tổ chức; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ; Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng và Lê Xuân Tuấn, cán bộ. Cựu lãnh đạo, nhân viên DN: Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Cty TNHH phát triển khoa học Vitech; Đào Thế Vinh, GĐ Cty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST; Nguyễn Trần Duy, TGĐ Cty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Cty TNHH thiết bị y tế Phương Đông. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại