Thứ hai 25/11/2024 02:37

Thanh niên tử vong do uống rượu, bác sỹ chỉ ra dấu hiệu ngộ độc rượu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai các bác sỹ đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho một thanh niên bị ngộ độc rượu. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

TS-bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm vừa điều trị cho một nam thanh niên 29 tuổi quê ở Hưng Yên bị ngộ độc rượu. Trước đó, khoảng 2h chiều 2-1, thanh niên này có đi uống rượu cùng bạn. Đến khoảng 4h chiều bệnh nhân về nhà ngủ. Buổi tối gia đình gọi dậy ăn tối, nhưng bệnh nhân này nói không muốn ăn.

Đến sáng 3-1, khi người nhà vào gọi dậy thì nam thanh niên này đã không có phản xạ, chân tay lạnh, duỗi cứng... Ngay sau đó, người thân đưa bệnh nhân đến bệnh viện huyện để cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, phải đặt nội khí khoản.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính não cho thấy có tổn thương não lan tỏa ở hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi bị đột quỵ và chuyển đến BV Bạch Mai tối 4-1 trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hoá, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Sáng 6-1, gia đình xin cho bệnh nhân về vì không có khả năng cứu chữa. Bệnh nhân tử vong sau đó.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu Ethanol). Hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận 2-3 ca nặng.

Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Có người không uống rượu bao giờ, có người thì nghiện. “Bệnh nhân đã được đưa vào đây thì đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Những trường hợp tử vong, tổn thương não do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết. Ethanol trong rượu là tác nhân gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại ăn rất ít hoặc không ăn gì vì uống rượu tạo cảm giác no giả hoặc vì mải vui. Đến khi về nhà bệnh nhân lại mệt quá không ăn, ngủ, bỏ bữa. Hậu quả là cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời não thiếu oxy có thể bị tổn thương không thể phục hồi.

Thanh niên tử vong do uống rượu, bác sỹ chỉ ra dấu hiệu ngộ độc rượu

TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo: Mọi người nên uống có chừng mực, uống sau khi đã ăn để tránh ngộ độc rượu

Bên cạnh đó, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, trung tâm hô hấp cũng bị ảnh hưởng ức chế, bệnh nhân thở yếu, thở khò khè dẫn tới suy hô hấp, thiếu ôxy gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim dẫn đến tử vong.

Mọi người cần căn cứ vào những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc rượu để kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu, tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ Nguyên cho biết, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc rượu nặng gồm: gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ vài từ, không thể tự đi lại được, không tỉnh, lơ mơ, chậm chạp, lờ đờ, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, lạnh, nôn oẹ nhiều, đau đầu, tím, tái nhợt, thậm chí co giật…

Bên cạnh đó những người nghi ngờ bị ngã, chấn thương, đánh nhau, va đập mạnh… cũng cần phải đến viện. Lý do vì biểu hiện chấn thương ở người say rượu không thật, dễ bị bỏ sót. Khi uống rượu say, cảm giác chịu đau của một người tốt hơn, nên kể cả thấn thương nguy hiểm cũng dễ bị bỏ sót.

Và cuối cùng, để phòng ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyên đưa ra lời khuyên cho mọi người là “tốt nhất là không uống rượu, nếu uống thì nên uống có chừng mực”. Đặc biệt lưu ý, chỉ uống rượu sau khi đã ăn.

Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động