Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp |
Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch; thay đổi cách tiếp cận từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tính định hướng trong phát triển được thể hiện tốt hơn; các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch...
Tuy nhiên, đây là một Luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Báo cáo về những kết quả chính đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo |
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí.
Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Đoàn giám sát chỉ rõ những vướng mắc từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện, mà trước hết là không ít quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng ngay trong Luật Quy hoạch.
Cụ thể quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn và một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn. Tuy vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới, đồng thời khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ ràng, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể nên còn ý kiến khác nhau về nội dung, mức độ thể hiện của Quy hoạch tổng thể quốc gia, mức độ thể hiện chi tiết của các dự án đầu tư (điểm n khoản 2 Điều 22), mức độ chi tiết của hệ thống bản đồ (khoản 9 Điều 21) dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong triển khai.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành;
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại