Thứ hai 25/11/2024 11:57
"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" - kỳ 3

Phường Trung Liệt, Đống Đa: Những hoà giải viên không... ngại khó

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã nhiều năm qua, hòa giải viên, đảng viên Bùi Ngọc Thanh thuộc tổ dân phố số 1 phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội chẳng quản khó khăn, cứ nhà nào có mâu thuẫn gì gọi điện thoại đến ông để giải quyết là ông lại lập tức lên đường ngay. Nhờ đó, nhiều vụ tranh chấp đã được ông cùng tổ hòa giải “gỡ ngòi nổ” ngay tại khu dân cư.

Mâu thuẫn vì nhà hàng xóm bị nghiêng

Ông Bùi Ngọc Thanh, SN 1952, thành viên tổ hòa giải tổ dân phố số 1 phường Trung Liệt đã tham gia công tác hòa giải ở cơ sở từ nhiều năm nay. Ông luôn được nhiều người dân nơi đây quý mến bởi sự nhiệt tình, tâm huyết và không ngại va chạm để hòa giải những khúc mắc, mâu thuẫn tại địa bàn. Ngoài phụ trách công tác hòa giải ở tổ dân phố, ông Thanh cũng tham gia công tác mặt trận tại phường và được giao chức vụ Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ phường Trung Liệt.

Địa bàn dân cư của ông Thanh phần lớn là những người có tri thức, trình độ dân trí nên khi làm công tác hòa giải, bản thân ông cũng như các thành viên trong tổ hòa giải luôn có ý thức tự trau dồi kiến thức pháp luật để có những hiểu biết pháp lý cần thiết. Thứ nữa, phải có năng khiếu về vận động, thuyết phục người khác và kết hợp giữa lý với tình khi hòa giải. Có như vậy, tỷ lệ hòa giải thành công mới cao và đạt hiệu quả.

Hòa giải viên Bùi Ngọc Thanh tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện mâu thuẫn giữa hai gia đình trong tổ từ năm 2019. Nhà ông A và bà B vốn được xây dựng nhà ở sát nhau từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau nhiều năm thì căn nhà 4 tầng của ông A bị nghiêng và chiếu sang căn nhà 2 tầng của bà B một khoảng không cỡ 10cm.

Nhà ông A có một khoảng sân lùi vào bên trong phần lưu không của nhà ông B. Bản thân bà B cũng muốn sửa chữa, cơi nới thêm từ tầng 2 lên nhưng lại vướng vào nhà của ông A, thế rồi hai bên xảy ra to tiếng, tranh chấp nhau chứ không bên nào chịu lún, nhà ông A đòi kiện nhà bà B. Tình hình còn căng thẳng hơn khi cả hai gia đình đều đưa cả con cái vào cuộc và gây gổ nhau, nguy cơ xảy ra va chạm, đánh nhau đã hiện hữu.

Nhận được thông tin, tổ hòa giải của ông Thanh lập tức vào cuộc. Bà B thì cho rằng, đã làm đúng theo mốc giới đất nhà tôi chứ không lấn sang hàng xóm, ngược lại ông A lại đang bị nghiêng nhà sang nhà bà. Tổ hòa giải đến gặp nhà bà B và phân tích, từ xưa đến nay đã có câu “đất giăng dây, cây cắm sào”, không ai nói là “nhà giăng dây, đất cắm sào” cả.

Còn chuyện nhà ông A bị nghiêng thì đó là do khách quan chứ bản thân người ta không hề mong muốn như vậy. Mọi người cần bình tĩnh để giải quyết sự việc, nếu nhà ông A đồng ý thì bà B giữ nguyên cái mái đó, còn không thì bà phải cắt bỏ mái đó đi. Cuối cùng, cả hai gia đình đã nghe lời khuyên giải của tổ hòa giải để ngồi lại với nhau và giảng hòa không kiện cáo tiếp nữa. Mọi người đồng ý giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà và không có các hành động làm phúc tạp thêm tình hình.

phuong trung liet dong da nhung hoa giai vien khong ngai kho
Hòa giải viên Bùi Ngọc Thanh, tổ hòa giải tổ dân phố số 1 phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Chở vật liệu xây dựng gây hỏng đường đi

Ngoài ra, còn vụ kiện cáo liên quan đến một số hộ dân với hộ gia đình chị C chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng cũng khiến ông Thanh và tổ hòa giải phải mất nhiều ngày hòa giải mới thành công.

Cụ thể, do thường xuyên phải vận chuyển vật liệu xây dựng qua lại nên con ngõ bị xuống cấp, nắng thì bụi mù mịt mà mưa lại nhầy nhụa đất bẩn. Bà con mới làm đơn kiến nghị tới UBND phường nhờ can thiệp để nhà chị C chấm dứt tình trạng này. Nắm được thông tin trên, tổ hòa giải của ông Thanh lập tức đi tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Qua đó cho thấy, việc nhà chị C cho ô tô chở vật liệu nhiều cũng khiến đường đi bị xuống cấp.

Tiếp xúc với nhà chị C thì được biết, xét về mặt pháp lý thì chị C có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nên việc chuyên chở vật liệu là việc hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chị C cần dặn lái xe khi vào ngõ cần giữ vệ sinh bằng biện pháp che chắn thùng xe cho kín, không để rơi vật liệu xuống đường và giảm tiếng ồn, nhất là vào ban đêm khi bà con đi ngủ. Nếu đoạn đường nào bị hỏng do xe chở vật liệu đi nhiều thì doanh nghiệp nên chủ động đứng ra tiến hành sửa chữa.

Ông Thanh cũng giải thích cho cả hai bên phải hiểu rằng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện để cho người dân được làm ăn kinh doanh, phát triển kinh tế. Bà con cũng không quá khắt khe khi thấy hàng xóm mở doanh nghiệp để đầu tư kinh doanh. Nhưng không phải cứ kinh doanh là anh được quyền không tôn trọng quyền lợi của nhân dân.

Ở đây, cả người dân lẫn doanh nghiệp phải thông cảm và tôn trọng nhau. Anh buôn bán vật liệu xây dựng thì nên có các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn cho đường phố, tránh gây ra nhiều tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người dân.

Bà con nhân dân thì một mặt nếu thấy hiện tượng như đường hỏng, vật liệu rơi vãi gây bẩn đường phố thì nên gặp trực tiếp doanh nghiệp hoặc tổ dân phố để phản ánh, chứ không nên làm đơn kiện cáo thẳng lên tận phường. Mọi mâu thuẫn khúc mắc tổ hòa giải của tổ dân phố sẽ có hướng tháo gỡ một cách hợp tình, hợp lý. Sau nhiều lần khuyên giải, bà con đã đồng ý rút đơn và doanh nghiệp của chị C cũng đồng ý với những điều mà tổ hòa giải đưa ra để giữ đoàn kết khối phố.

Theo lãnh đạo UBND phường Trung Liệt, nhiều mô hình hay, cách làm mới về hòa giải còn là hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hữu hiệu gắn với từng việc cụ thể nên có hiệu quả thiết thực với người dân. Phường cũng chú trọng xây dựng mô hình tổ hòa giải 5 “tốt” với những hoạt động thiết thực. UBND phường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ phường và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải nên mang lại hiệu quả cao.

Các hòa giải viên đều được MTTQ giới thiệu, nhân dân bầu và Chủ tịch UBND phường ký quyết định công nhận. Để hoạt động hòa giải ở cơ sở thêm hiệu quả, cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng như hội nghị, lồng ghép vào các cuộc họp, các cuộc thi. Tổ chức tổng kết, khen thưởng kịp thời những hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu.

Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở quy định:

Hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải. Cụ thể là trường hợp:

- Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải.

- Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý.

Các khoản được hỗ trợ:

- Chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng.

- Thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng.

- Hỗ trợ một lần chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết, chi phí cho việc mai táng.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 25-4-2014.

phuong trung liet dong da nhung hoa giai vien khong ngai kho Những hoà giải viên không... ngại khó

Đã nhiều năm qua, hòa giải viên Bùi Ngọc Thanh thuộc tổ dân phố số 1 phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội chẳng quản ...

phuong trung liet dong da nhung hoa giai vien khong ngai kho Kỳ 1: Hòa giải viên "vun lửa” hạnh phúc cho các gia đình

LTS: Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, Đảng ...

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động