Ô tô giá rẻ tràn về, doanh nghiệp nội cuống cuồng cắt giảm dòng xe
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDoanh nghiệp ô tô vẫn muốn ở lại Việt Nam
Phát biểu tại buổi tọa đàm về ngành công nghiệp ô tô diễn ra tại Bộ Công Thương chiều qua (28/2), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho biết, trong 20 năm kinh doanh lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp đã luôn cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, Toyota đang giảm dần từ 5 dòng xe xuống còn 4 dòng xe. Từ 4 dòng xe này sẽ tăng số lượng sản xuất, đảm bảo tính tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
Theo ông, từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn. Như vậy, "làm thế nào để mức thuế đó trở thành cú hạ cánh mềm là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp?", đại diện Toyota Việt Nam nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Toyota đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn và đang đến gần, do vậy, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%.
"Với tư cách đại diện VAMA, thành viên VAMA cam kết tiếp tục đóng góp phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sang năm 2018 thuế về 0%, số xe nhập khẩu có thể sẽ tăng nhiều khiến một số thành viên không thể tồn tại được. Bởi vậy chúng tôi kiến nghị cân nhắc tạo sự khác biệt giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước", ông Toru Kinoshita nói.
Tổng giám đốc GM Việt Nam cũng khẳng định, bản thân công ty muốn duy trì sản xuất lắp ráp tại Việt Nam bởi luôn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường này. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc để giải quyết khó khăn.
"Hiện chúng tôi bán 10.000 xe/năm trong đó trên 90% số lượng bán ra là sản xuất trong nước. Chúng tôi nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, 10% nhập khẩu xe bán tải từ Thái Lan. GM muốn duy trì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, song cũng mong tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam thông qua nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc. Nhưng thực sự rất khó khăn nếu giải quyết được bài toán thuế", ông nói.
Xin hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ
Còn theo ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải, để tháo gỡ khó khăn cho cả ngành công nghiệp thì cần rất nhiều việc khác nữa, trong đó có việc rà soát thực tế doanh nghiệp sản xuất để có đánh giá những điểm được, chưa được và giải thích rõ lý do vì sao. Trên cơ sở đánh giá này các cơ quan quản lý xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không nếu tồn tại thì nên như thế nào. Khi đã thống nhất chủ trương rồi thì các chính sách đưa ra mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Đại diện một nhà đầu tư Nhật Bản khác là ông Kayano Kiwamu, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn phát triển sản xuất tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng. Lãnh đạo Honda Việt Nam khẳng định sẽ tập trung phát triển những sản phẩm phù hợp tại Việt Nam, có sức cạnh tranh lớn.
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất, cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chính thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.
Kiến nghị cụ thể hơn về chính sách ưu đãi, tại toạ đàm ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công chia sẻ: "Hiện chúng tôi đầu tư mở rộng sản xuất nhưng gặp không ít khó khăn. Ví dụ theo quy định, trường hợp dự án trên 6.000 tỷ đồng, giải ngân 3 năm, doanh thu 10.000 tỷ đồng trong 3 năm sẽ được ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với dòng xe dưới 24 chỗ ngồi không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi".
"Có nghĩa quy mô to đến mấy, xe con không được ưu đãi trong khi phải đầu tư giá trị lớn trừ khi về địa bàn khó khăn nhưng đầu tư công nghiệp ô tô phải có chuỗi, gắn kết với nhau. Chúng tôi không thể sản xuất ở 1 nơi, mang nhà máy đến đặt nơi để được ưu đãi. Do đó, cần điều chỉnh quy định theo hướng ưu đãi theo quy mô dự án chứ không cần theo vùng", ông này nói.
Ông Phạm Văn Dũng, đại diện Ford Việt Nam thì cho rằng, theo một phân tích của Viện Chiến lược phát triển công nghiệp với Vụ Công nghiệp nặng, thì chi phí sản xuất lắp ráp ở Việt Nam đang cao hơn các nước ASEAN khoảng 20%. Qua VAMA, Ford Việt Nam đề nghị giảm thuế linh kiện nhập khẩu ngoài ASEAN từ năm 2018 để giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cơ chế ưu đãi, khuyến khích xuất khẩu, cả phụ tùng và xuất khẩu ô tô nguyên chiếc đối với doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe, sát cánh cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ kiến nghị các giải pháp, trên cơ sở thực tế phát triển đất nước, các cam kết quốc tế và quyền lợi của người dân.
"Chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam luôn nhất quán trên cơ sở Chiến lược và Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, gắn với thực tế của Việt Nam cũng như cam kết quốc tế. Với dân số trên 100 triệu, thị trường Việt đang được đánh giá là tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phương Dung / dantri.com.vn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại