Chủ nhật 24/11/2024 10:33

Những dự án nào tại Hà Nội nằm trong danh sách thanh tra toàn diện?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay trong quý 1-2022, Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân do Bộ Xây dựng t hành lập sẽ trực tiếp đến một số địa phương trọng điểm. Cùng với tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022, một trong ba trọng tâm là việc thanh tra tại 11 tỉnh, thành phố về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Theo danh sách của Sở Xây dựng Hà Nội, có 7 dự án nhà ở và 16 dự án khu đô thị trong diện thanh tra lần này
Theo danh sách của Sở Xây dựng Hà Nội, có 7 dự án nhà ở và 16 dự án khu đô thị trong diện thanh tra lần này

Vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cục, vụ trực thuộc bộ và các đơn vị liên quan.

Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở...

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bộ này sẽ nghiên cứu, xem xét điều kiện, hướng dẫn các DN thuộc lĩnh vực xây dựng tham gia chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; phối hợp Ngân hàng Nhà nước trong triển khai các khoản vay của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022 - 2023).

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thông qua điều chỉnh bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn thu, đồng thời hỗ trợ khả năng thanh toán.

Trong Kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó một trong ba trọng tâm là việc thanh tra tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Được biết, đoàn Thanh tra được chia làm 8 đoàn triển khai thực hiện công tác thanh tra tại các địa phương. Dự kiến trong quý 3-2022 sẽ công bố kết luận đối với việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại 11 địa phương trên cả nước.

Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp).

23 dự án tại Hà Nội thuộc diện thanh tra

Thực hiện công tác báo cáo để xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội vừa gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị..., thuộc diện thanh tra việc dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội.

Theo danh sách của Sở Xây dựng Hà Nội, có 7 dự án nhà ở là: khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh 17,42 ha; nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì 18,67 ha; khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ 622 Minh Khai; khu nhà ở Tây Mỗ 22,66 ha; nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài 9,17 ha; khu nhà ở Minh Đức 173,56 ha; khu nhà ở xã Uy Nỗ, Đông Anh 85,84 ha.

Bên cạnh đó, có 16 dự án khu đô thị, bao gồm: khu đô thị Nam đường vành đai 3, khu đô thị Thịnh Liệt, khu đô thị HUD Sơn Tây, khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu đô thị mới Đại Kim, khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, khu đô thị Gia Lâm…

Quy định về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này lại có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10 ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Song số tiền nói trên không được các địa phương sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.

Vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 thay thế cho Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định 49 là tránh được tình trạng chủ đầu tư lách luật để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị; đang tiếp tục triển khai 278 dự án với khoảng 274 nghìn căn hộ, trong đó có khoảng 100 dự án nhà ở công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ.
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động