Nhiều đối tượng lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh |
Cùng với đó, nhiều thực tế mới phát sinh như tiền ảo, tiền số, và nhấn mạnh việc phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về mặt quản lý Nhà nước trong đó có phòng chống rửa tiền. Hiện chúng ta chưa công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền. Đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nêu ý kiến: “Lý do trình dự án luật là tiền ảo chưa được chấp nhận nên luật này chưa đề cập, tuy nhiên theo tôi, cần nghiên cứu các quy định. Người ta chuyển tiền bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo rồi ra nước ngoài bán tiền ảo lấy tiền thật mà Nhà nước không quản lý là không được”.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm từ thực tiễn cho thấy có 7 thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.
Thứ nhất, các đối tượng thành lập công ty "ma", với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi rửa tiền.
Thứ hai, thủ đoạn thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến, điển hình vừa qua là vụ thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng ngàn tỉ đồng .
Thứ ba, các đối tượng núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch. Theo đại biểu Đức, chúng ta có một số quy định về giới hạn gửi tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nhưng nhiều đối tượng lợi dụng mục đích chuyển tiền cho người thân, hoặc từ thiện, chữa bệnh, học tập nước ngoài. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước có quyết định 1437 năm 2001, quy định không được chuyển quá 5.000 USD ra nước ngoài. Thế nhưng, Nghị định 70 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối sửa đổi lại không còn quy định giới hạn chuyển tiền. Mục đích của Nghị định giúp cho các giao dịch được thuận tiện hơn, song có điểm hở đối tượng có thể lợi dụng chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài bằng nền tảng giao dịch trực tuyến.
Thứ tư, thủ đoạn chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế. Tuy nhiên, thủ đoạn này chưa phổ biến.
Thứ năm là thủ đoạn nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản, đang diễn ra khá phổ biến.
Thứ sáu là thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu.
Thứ bảy là lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền. Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề cập đến tiền ảo Bitcoin, dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận, nhưng trên thực tế các giao dịch đang diễn ra phổ biến, các đối tượng lợi dụng tiền ảo để thực hiện hành vi rửa tiền.
Điều 25 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. "Tuy nhiên, đây là quy định mang tính định tính. Thế nào là giao dịch có giá trị lớn, bao nhiêu thì được coi là lớn, tôi cho rằng cần có quy định mang tính định lượng, để rõ ràng và khả thi khi triển khai" – đại biểu Đức nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH TP HCM góp ý về Điều 26 của dự thảo luật quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ. Trong đó, nêu rõ đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Vị đại biểu cho rằng, người có trách nhiệm báo cáo làm sao để biết được đó là giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo. "Điều này rất khó khi thực hiện" - ông Hải nói và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc.
Nêu ý kiến sau đó, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí cũng đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sử dụng từ ngữ khác thay từ "đáng ngờ".
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại