Thứ hai 25/11/2024 13:47

Nhặt được “của rơi” đừng “bỏ ngay vào túi”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nhiều người, khi nhặt được của rơi, họ hồn nhiên cho rằng đó là “lộc trời cho” rồi giữ lại và "bỏ ngay vào túi". Tuy nhiên, ở trong các văn bản Luật với các Nghị định có những điều khoản quy định rất rõ trong trường hợp này.
Nhặt được “của rơi” đừng “bỏ ngay vào túi”
Nhặt được của rơi đừng vội "bỏ ngay vào túi" kẻo vi phạm pháp luật

Nhặt được của rơi “bỏ ngay vào túi”

Mới đây, chị L.T.G (Hà Nội) có đăng tải và nhờ cộng đồng mạng chia sẻ và nhắn gửi tới một phụ nữ trẻ để mong tìm lại chiếc ví cùng các giấy tờ chị đã để quên. Theo đó, ngày 13/4 chị có ngồi uống nước ở một quán cà phê tại một trung tâm thương mại ở đường Nguyễn Chí Thanh. Sau khi đứng lên, chị G. có để quên chiếc ví, trong đó có tiền và nhiều giấy tờ tùy thân của chị.

Khi phát hiện mình bỏ quên ở quán, chị G. đã quay lại liên hệ quán và được quán cung cấp camera ghi lại hình ảnh lúc chị G. đứng lên, có thể hiện chiếc ví chị quên trên ghế. Sau đó tầm 2 phút có một cô gái trẻ nhặt được chiếc ví của chị và đứng dậy, đi thẳng vào khu vực trung tâm thương mại.

“Việc tôi để quên ví là chuyện không may do vài phút lơ đãng, có thể cô gái nhặt được kia cũng chỉ vội vàng nên đã không xử lý kịp nên rất mong mọi người chia sẻ để cô ấy có thể nhận được thông tin và cho tôi xin lại. Tiền bạc có thể không thành vấn đề, nhưng những giấy tờ tùy thân trong ví rất cần thiết cho tôi” – chị G. nói.

Về câu chuyện của chị G., nhiều ý kiến ngoài việc nhắc chị G. nên cẩn thận hơn còn chê trách cô gái đã nhặt được chiếc ví của chị. Anh N.T.L (Hà Đông) cho rằng, đáng lẽ ra khi nhặt được ví không biết của ai, cô gái nên liên hệ với nhân viên của quán để gửi lại. “Để chắc chắn, cô gái có thể ghi âm hoặc ghi hình để làm bằng chứng việc mình đã gửi ví lại cho quán, hoặc có thể thông báo cho quán, để lại số điện thoại của mình để người mất ví có thể trực tiếp liên hệ” – anh L. quan điểm.

Cũng về việc này, chị N.H.P (Đống Đa) nhận định, việc vội vàng để cô gái không xử lý cũng có thể xảy ra, nhưng ngay sau đó có nhiều cách để cô gái có thể tìm và trả lại người đánh mất. “Ngày nay mạng xã hội và các hội, nhóm phát triển rất mạnh, chỉ cần một vài dòng thông báo là đã có thể tìm được “khổ chủ”. Việc sau gần 1 tuần vẫn im lặng thế tất nhiên người ta dễ suy diễn cô gái này có vấn đề” – chị P. nói.

Có nhiều ý kiến cho rằng cô gái kia không hề trộm, cắp nên không cần thiết phải trả lại chị G. nếu không muốn. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc nhặt được của rơi không trả lại người đánh mất là vi phạm Luật.

Hành động “bỏ túi” của rơi có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có nhiều khi người rất “hồn nhiên” phạm luật. Họ chỉ đơn giản cho rằng việc nhặt được đồ rơi là hiện vật, tiền bạc… là “lộc trời cho” nên nghiễm nhiên hưởng thụ. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng đơn giản đó đều đã được luật pháp quy định rất rõ ràng.

Theo Điều 230 Bộ Luật Dân sự, khi nhặt được tài sản có quy định: nếu biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại cho người đó; Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để xác minh chủ sở hữu. Đồng thời, người nhặt được tài sản cũng được thông báo về kết quả xác minh.

“Chỉ sau 1 năm từ ngày giao nộp, người nhặt được tài sản có thể được sở hữu tài sản đó” – Luật sư Hùng cho biết. Việc không trả lại tài sản cho người đánh rơi, người nhặt được có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí còn có thể chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, hành động hặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, người nhặt được đồ phải chịu trách nhiệm hình sự khi nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì căn cứ tại Điều 176 Bộ luật Hình sự, người đó sẽ: Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Bị phạt tù từ 01 - 05 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc là bảo vật quốc gia.

Vụ việc xảy ra vào tháng 11/2021 là một ví dụ rất điển hình cho câu chuyện nhặt được của rơi nhưng không trả người đánh mất. Theo đó, ngày 16/11, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố bị can N.T.X. (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Khi dọn vệ sinh cho một tòa nhà, X. nhặt được balô bỏ quên có nhiều tài sản bên trong và mang về nhà. Theo yêu cầu của X., khổ chủ đã chuyển khoản cho X. 10 triệu đồng để chuộc lại balô. Tuy nhiên chị này vẫn không trả balô nên khổ chủ đã trình báo công an.

“Câu chuyện trên là lời nhắc nhở thực tế với những người vốn có suy nghĩ hồn nhiên “bỏ túi” của đánh rơi, bỏ quên. Vụ việc mới xẩy ra về câu chuyện của chị G. và cô gái nhặt được ví có thể chỉ là chưa hiểu đúng nên vi phạm pháp luật một cách đáng tiếc. Vì vậy, việc ứng xử với của rơi luôn cần tuân thủ các quy định của pháp luật” – luật sư Hùng nói.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động