Thứ hai 25/11/2024 01:03

Nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước vì không được cấp cứu đúng cách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trẻ đuối nước trong tình trạng nguy kịch, có trẻ đã không qua khỏi. Theo các bác sĩ, phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
Nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước vì không được cấp cứu đúng cách
Cấp cứu kịp thời có thể hạn chế biến chứng nặng hoặc tử vong ở trẻ đuối nước. Ảnh minh hoạ

Báo động nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước

Cụ thể, ngày 23/9, bé trai L.N (SN 2010, Hà Nam) vừa được rút máy thở sau 2 ngày điều trị đuối nước tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ cho biết khi L.N đang giúp ông nội lùa vịt thì không may trượt chân ngã xuống ao, ngay lập tức ông nội đã hô hoán người dân xung quanh ra giúp đỡ.

Thời gian bé L.N được vớt lên khỏi mặt nước là khoảng 2 phút kể từ khi tai nạn xảy ra, bé vẫn còn thở, chưa bị ngừng tim, được thực hiện sơ cứu tại chỗ và đưa đến Bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó, bệnh nhi L.N được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, sau khi thực hiện thăm khám và các bước cấp cứu ban đầu, trẻ được thở máy, dùng thuốc vận mạch, chống sốc kết hợp điều trị viêm phổi do hít. May mắn sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua được cơn nguy kịch, tuy nhiên sức khỏe còn yếu, tâm lý hoảng loạn và tiếp tục được điều trị viêm phổi bội nhiễm.

Nhập viện cùng thời điểm, tuy nhiên bé M.Q (SN 2012, Bắc Ninh) lại không được may mắn như thế. Chiều ngày xảy ra tai nạn, bé M.Q đi học về và đi bơi cùng các em nhỏ hơn, không may Q bị đuối nước. Đến khi có người đi tập thể dục phát hiện ra thì trẻ đã nổi trên mặt nước, trước đó, các bé đi cùng quá nhỏ nên rất hoảng sợ, không có khả năng báo động để được giúp đỡ.

Đáng nói, trẻ được sơ cứu sai cách bằng việc dốc lên, chạy ngược làm các dịch dạ dày chảy ngược vào đường thở, khiến tình trạng càng nghiêm trọng hơn và bỏ qua mất thời điểm vàng để cứu tim của trẻ. Khi được đưa đến Bệnh viện tỉnh để cấp cứu thì các bác sĩ đã nỗ lực để cấp cứu cho tim đập trở lại. Tuy nhiên, do thiếu oxy não kéo dài, trẻ vẫn bất tỉnh và tiên lượng tử vong cao.

Trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay sau đó. Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã dùng phối hợp tất cả biện pháp đặt nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, điều trị suy tuần hoàn, nhưng rất tiếc tất cả đã quá muộn, trẻ đã tử vong để lại nỗi đau và cả bài học lớn cho cả gia đình và xã hội.

Trường hợp thứ 3 là bé Đ.H (SN 2020, Vĩnh Phúc) bị ngã xuống bể cá cảnh. Khi phát hiện ra trẻ nằm ngửa, tím tái, gia đình cũng sơ cứu theo cách dân gian là dốc ngược chạy, sau đó mới hô hấp nhân tạo. Trẻ nhập Bệnh viện huyện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp. Cùng ngày 24/9 trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ cũng được thở máy, điều trị suy tuần hoàn, kiểm soát thân nhiệt chủ động, sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi một cách tích cực. Các chỉ định cận lâm sàng: Xquang tim phổi, điện não đồ,… cũng được tiến hành. Tuy nhiên, tình trạng trẻ không khả quan, tiên lượng rất xấu.

Hướng dẫn cấp cứu tại chỗ đúng cách cho trẻ bị đuối nước

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.

Nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước vì không được cấp cứu đúng cách
Hướng dẫn sơ cứu cho người đuối nước của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức như sau:

Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng;

Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ;

Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần (hình 1) cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây (hình 2);

Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo;

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại (hình 3); Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đến cha mẹ hãy giám sát con cái trong các hoạt động bơi lội, vui chơi gần khu vực ao hồ, sông, suối. Đồng thời người lớn cũng cần trang bị kiến thức về sơ cứu đuối nước để tình trạng trẻ không trầm trọng hơn, tăng cơ hội cứu sống trẻ.

3 học sinh thiệt mạng do đuối nước
Hai anh em sinh đôi tử vong dưới hồ nước gần nhà
Chơi bắt vịt ở ao làng, nhóm thanh niên phát hiện bé gái bị đuối nước
Nghệ An: Tìm thấy hai nạn nhân mất tích ở biển Cửa Lò
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động