Nguồn cơn từ việc nhóm người hành hung tài xế?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột nhóm thanh niên lao đến đánh Nam túi bụi (Ảnh cắt từ clip) |
Theo luật sư, tùy thuộc kết quả giám định thương tật của tài xế Nam và thiệt hại với chiếc xe Mercedes, nhóm người hành hung có thể đối diện 2 trong 3 tội danh theo quy định.
CA tỉnh Bình Thuận đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Nam (43 tuổi, ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về tội “Giết người”. Các quyết định đang chờ VKS phê chuẩn. Nam là người điều khiển xe Mercedes BSX Hà Nội, tông chết người tại đường bờ kè Phạm Văn Đồng, TP Phan Thiết, rạng sáng 12/5.
Liên quan tới vụ án, CA cũng đã đưa Nam cùng người bạn tới Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Thuận để giám định thương tật, qua đó củng cố hồ sơ xử lý những người liên quan theo quy định của pháp luật. Sau khi bị can Nam đã bị khởi tố, vụ án có thể diễn biến ra sao. Những người hành hung tài xế này có thể bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến vụ án này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, đây là sự việc đáng tiếc, xuất phát từ mâu thuẫn khi tham gia giao thông giữa các bên. Trong vụ việc này, cả hai bên đều có lỗi và sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
“Bị can bị hành hung song đã chạy thoát được để lên xe, nổ máy và điều khiển được xe. Trường hợp này, lái xe đủ khả năng để điều khiển phương tiện rời xa đám đông hung hãn và tới trình báo tại CQCA.
Tuy nhiên, Phạm Văn Nam không lựa chọn rời đi mà điều khiển xe chạy vòng quanh, lao vào nhóm người đã hành hung mình dẫn tới hậu quả làm một người chết. Với một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi, Nam phải biết rằng hành động đó có thể gây ra hậu quả chết người nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó, việc CQCA khởi tố Nam về tội “Giết người” là có cơ sở.
"Khó có căn cứ chuyển đổi tội danh cho tài xế này từ tội “Giết người (Điều 123) sang “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 125) của BLHS 2015. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi lái xe đâm vào nạn nhân là nguy hiểm có thể dẫn đến chết người, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, điều cần phân tích là hành vi giết người này phạm vào tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS hay tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 125 BLHS. Bởi mức hình phạt của 2 tội danh này khác nhau rất nhiều.
Đối với tội “Giết người”, mức hình phạt cao nhất là tử hình. Còn tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” có mức hình phạt cao nhất theo khoản 2 là 7 năm tù giam (phạm tội đối với 2 người trở lên). Còn khoản 1 là 3 năm tù giam", luật sư Nguyên cho biết.
Luật sư Nguyên cho rằng, qua clip cho thấy nam tài xế đâm chết nạn nhân là do tinh thần bị kích động mạnh bởi một loạt các hành vi của nạn nhân và các đối tượng khác trước đó. Như vậy, nếu tài xế bị khởi tố về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 125 BLHS sẽ phù hợp với diễn biến vụ việc hơn.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi giết người của tài xế Nam đã rõ ràng. Do đó, khó có căn cứ chuyển đổi tội danh với người này. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý tài xế, CQĐT cần làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người đánh tài xế Nam hay không. Nếu có phải khởi tố, bởi theo thông tin ban đầu và theo lời khai của tài xế, thấy nguồn cơn của sự việc xuất phát từ nhóm người này.
Đối với hành vi đập phá xe, đuổi đánh, hành hung Nam cùng người bạn của nhóm người kia, luật sư đánh giá cơ quan chức năng có thể tách vụ việc thành vụ án hình sự khác để điều tra theo quy định.
"Cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định thương tật của Nam cùng người bạn. Trường hợp xác định 2 người đều có tỷ lệ thương tật hoặc một trong 2 người có mức độ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên, nhóm người hành hung tài xế này có thể bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS 2015. Trường hợp 2 nạn nhân không có thương tích, nhóm người này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS 2015, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ giám định mức độ thiệt hại về tài sản đối với chiếc xe Mercedes. Trường hợp xác định giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý thêm về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS 2015 với mức hình phạt từ 6 tháng đến 20 năm tù (nếu giám định thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên) ”, luật sư Thái phân tích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại