Ngoài vụ việc tại Công ty Dược Cửu Long, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế còn liên quan đến vụ án tại VN Pharma
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo điều tra sơ bộ, vụ việc xảy ra từ năm 2006, bắt đầu từ khi Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người (A/H5N1). Thủ tướng Chính phủ khi đó đã giao cho Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị và chuẩn bị tất cả các điều kiện sẵn sàng để phòng chống đại dịch.
Bộ Y tế ngay sau đó đã phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia đối với thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm. Số thuốc dự trữ do Bộ Y tế đề xuất tại Báo cáo số 58/BC-BYT ngày 16-11-2005 là đủ 30 triệu viên đến 30-6-2006. Sau đó, Chính phủ đã điều chỉnh kế hoạch này xuống còn 20 triệu viên.
Việc dự trữ thuốc dưới hai hình thức: Sản xuất 10 triệu viên, hoàn thành trong tháng 3-2006 và dự trữ dưới dạng nguyên liệu đủ sản xuất 10 triệu viên Oseltamivir. Theo đó, mặc dù thời điểm từ năm 2003 - 2005 cả nước chỉ có 91 ca mắc bệnh nhưng Bộ Y tế vẫn đề xuất mốc thời gian lên đến tháng 6-2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc, tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người. Về điều này, các cơ quan chuyên môn cho rằng việc tham mưu đề xuất như trên là thiếu căn cứ thực tiễn về tình hình diễn biến của dịch tại Việt Nam.
Đã có 4 doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc là Stada VN, Imexpharm, Pymephaco và Cty Dược Cửu Long. Trong quá trình đặt hàng, tại Biên bản của “Hội đồng thẩm định các cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc” của Bộ Y tế khi làm việc với 4 Cty không có nội dung thương thảo về giá; Biên bản làm việc không có chữ kí của Cty và Đơn đặt hàng đã được hội đồng thẩm định gửi cho Cty ngay tại buổi kiểm tra trong khi chưa có báo cáo lên Bộ trưởng.
Từ Biên bản này, 4 Cty đã đặt mua 2.030kg nguyên liệu Oseltamivir do Hetero Labs Limited Ấn Độ sản xuất với giá 17.500 – 18.000 USD/1 kg (tức là cao hơn rất nhiều so với giá Bộ Y tế đã báo cáo là 12.000USD/1 kg tại bản Kế hoạch số 59/BYT -QLD ngày 16-11-2005).
Trong số đó, Cty Dược Cửu Long mua 520kg nguyên liệu từ Cty Mambo Overeas Limited Singapore với giá 17.500 USD/1kg, thành tiền là 9.100.000 USD. Công ty này chỉ thanh toán cho bên bán 5.252.000 USD và giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD, nhưng số tiền này không được thể hiện trong báo cáo tài chính.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang |
Ông Cao Minh Quang, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên và Dương Huy Liệu, cùng là cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ Y tế bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2019 vì không kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các điều khoản đàm phán giá nguyên vật liệu khi thanh lý đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Cty Dược Cửu Long nên không phát hiện ra Cty này đã được giảm giá nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
Về phía Cty Dược Cửu Long, tháng 11-2021, Cơ quan CSĐT Bộ CA cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai bị can Lương Văn Hoá (cựu Tổng Giám đốc) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó Tổng Giám đốc của Cty Dược Cửu Long cũng bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú cũng với tội danh trên.
Ông Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Y tế |
Về vụ án này, ban đầu Cơ quan CSĐT khởi tố tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng sau khi xác định được hành vi vi phạm cụ thể, CQĐT đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Trong số các bị can vừa bị khởi tố, ông Nguyễn Nam Liên trước đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam trọng vụ án tiêu cực liên quan đến kit test CoV 19 của Cty Việt Á.
Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng là người có liên đới trong vụ án VN Pharma. Cụ thể trong quá trình điều tra vụ án này, ông Quang đã thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng kí thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Việc kí ban hành công văn số 2970 có nội dung: “Các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hoá lãnh sự” là trái với quy định của pháp luật.
Trong cáo trạng vụ án VN Pharma, VKSND cho rằng ông Quang có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của ông Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định.
Tại sao nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị bắt tạm giam? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại