Thứ hai 25/11/2024 04:27

“Ngăn sóng” bạo lực học đường bằng cách nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những vụ việc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây lại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường, vấn đề nhức nhối bấy lâu của ngành Giáo dục…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã không còn là câu chuyện mới, trở thành đề tài nhức nhối bấy lâu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa trường học trở lại, rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã được ghi nhận.

Mới đây, bà T.H.T, phụ huynh trường Quốc tế TP HCM American Academy (ISHCMC-AA, phường An Phú, TP Thủ Đức) đã lên mạng livestream tố con mình cùng một số bạn học bị một nữ sinh cùng trường đánh. Vụ việc nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi.

Trước đó, ngày 16/5 em Q.T.H, học sinh lớp 8 của Trường THCS Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã bị một nhóm học sinh đánh hội đồng. Hiện nay em H đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương BVĐK tỉnh trong tình trạng đau đầu, buồn nôn do bị đánh vào đầu.

Trước đó không lâu, cuối tháng 3/2022, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ sinh lớp 8 trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, mặt nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Học sinh này bị đánh ngay trong những ngày đầu tiên khi quay lại trường học trực tiếp. Một tuần nay, nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông.

Cùng thời điểm, một clip dài hơn 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh một nữ sinh lớp 7. Theo clip, 2 nữ sinh đã lao vào đánh, giật tóc, bắt nữ sinh lớp 7 quỳ xuống, xé áo. Không những vậy, 2 nữa sinh này còn liên tục buông kèm những lời hăm dọa, chửi bới, xúc phạm. Trong khi đó, nữ sinh bị đánh không đánh lại mà chỉ biết ôm đầu chịu đánh.

Đáng nói, khi xảy ra sự việc có nhiều người xung quanh nhưng không ai đứng ra can ngăn. Một số nữ sinh khác còn dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.

Dưới góc độ tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ môi trường học đường nào, dù đó là trường công hay trường tư. Vấn đề là làm sao kiểm soát được tình hình, giảm bớt các vụ việc mâu thuẫn va chạm giữa các em học sinh, giữa giáo viên với học sinh và giải quyết có tình có lý khi sự việc đã xảy ra.

Về tâm lý nói chung, phụ huynh nào cũng lo lắng cho con cái, lo sợ con cái sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường khi bị bạn bè, thậm chí có thể bị giáo viên hành hung trong thời gian ở trường.

Bạo lực học đường giữa các em học sinh, đặc biệt là sau giờ tan học, ở những khu vực vắng vẻ là những tình huống rất nguy hiểm, có thể gây ra những thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân.

TS Trần Thành Nam cho rằng, môi trường học đường nào, nội dung giáo dục cũng hướng đến xây dựng và hình thành nhân cách, giáo dục kiểm soát cảm xúc, kỹ năng sống và tăng cường tình đoàn kết trong tập thể các em học sinh.

Các trường học đều có điều lệ, quy chế, các quy tắc chung và riêng đối với mỗi cơ sở giáo dục để quản lý học sinh, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật học sinh, kiểm soát tình trạng bạo lực học đường.

Các em học sinh là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị kích động, khó làm chủ cảm xúc, suy nghĩ chưa thấu đáo, nhiều em còn thiếu kỹ năng sống nên không chỉ trong môi trường học đường mà ngay cuộc sống bên ngoài cũng dễ xảy ra mâu thuẫn.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2, Điều 14 BLHS năm 2015.

Đối với trẻ em ở độ tuổi này mà thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác chưa thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo mô tả, liệt kê của điều luật, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.

Luật sư Thái cho biết, theo quy định của pháp luật, học sinh sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau, tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau như nhắc nhở, khiến trách, tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích là giáo dục và cải tạo, tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng kỷ luật học sinh để kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em. Học sinh nào cũng có thể mắc sai lầm và ở độ tuổi chưa thành niên, việc thông cảm, tạo cơ hội cho các em học sinh vi phạm sửa sai là điều cần thiết.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động