Thứ hai 25/11/2024 14:23

Mức xử phạt đối với hành vi “phe vé” như thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vi phạm gây rối trật tự công cộng là hành vi phổ biến nhất mà “phe vé” gây ra có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khuyến cáo của ban tổ chức
Khuyến cáo của ban tổ chức

Vé “chợ đen” có mức giá rất cao

Nhu cầu sở hữu một tấm vé để xem trực tiếp tuyển U23 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 khiến người hâm mộ chấp nhận mua vé “chợ đen” với mức giá rất cao.

Theo ghi nhận, ngày 6/5 vé trận đấu được chờ đợi nhất ở bảng B là trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Indonesia ở mức giá cao gấp từ 3 - 4 lần so với giá gốc.

Cụ thể, giá vé ở mức 4 triệu đồng/cặp cho vé ở vị trí đẹp khán đài A, trong giá gốc chỉ có 1 triệu đồng/cặp. Tương tự, một cặp vé có mệnh giá 400.000 đồng được bán 1,6 triệu đồng; một cặp vé có mệnh giá 300.000 đồng được bán với giá 700.000 đồng/cặp.

Theo các phe vé ở đây cho biết, vé trận đấu của U23 Việt Nam với U23 Indonesia không còn nhiều, vì vậy, một số phe vé vẫn găm lại chờ tăng giá ở sát giờ thi đấu.

Đáng chú ý, vé trận đấu bán kết bóng đá nam trên sân Việt Trì hầu hết đã được các cò vé găm hàng chờ “cơn sốt” U23 Việt Nam tiếp tục lên cao khi tuyển Việt Nam vào tới bán kết. Với đội bóng đương kim vô địch SEA Games và sự trưởng thành của lứa cầu thủ U23 Việt Nam thì khả năng vào vòng bán kết gần như là chắc chắn. Đây cũng là cơ sở để các cò vé thổi giá bán lên cao.

Mức xử phạt đối với hành vi “phe vé” như thế nào?
Phe vé "ôm" rất nhiều vé trận đấu có đội tuyển U23 Việt Nam với đủ các loại mệnh giá

Chưa có quy định cụ thể nào về chế tài xử phạt

Vậy, “phe vé” được hiểu như thế nào, có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, hiện tượng “phe vé” vẫn diễn ra một cách tràn lan và phổ biến. Tuy nhiên hiện nay, vẫn không có định nghĩa cụ thể “phe vé” là như thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam. “Bản chất nếu chỉ là mua bán thông thường thì sẽ không gọi là “phe vé”; các trường hợp “phe vé” đều là các trường hợp bằng một cách nào đó, tuồn vé ra bên ngoài để bán không theo quy định thông thường (không phải xếp hàng, không chờ đợi hoặc các biện pháp khác bằng gian lận để kiểm được vé)”, luật sư Thái cho biết.

Tuy nhiên theo luật sư, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về chế tài xử phạt đối với hành vi “phe vé”. Pháp luật Việt Nam quy định, về mặt nguyên tắc, công dân được quyền thực hiện, làm những điều mà pháp luật không cấm. Vì vậy, đối với hành vi “phe vé” không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, việc người hâm mộ mua lại vé với mức cao hơn nhiều lần so với giá gốc là do sự thoả thuận giữa bên mua và bên bán, sự tự nguyện của hai bên, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.

Luật sư Thái cho biết, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phổ biến nhất mà “phe vé” gây ra. Việc mua bán vé thường diễn ra xung quanh khu vực sân vận động, như hành vi như chèo kéo, tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực xung quanh. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy mà hành vi "phe vé" có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, tại điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi gây rối trật tự công cộng do “phe vé”. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 7 nghị định 144/2021/NĐ-CP; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng.

Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, thì tuỳ vào tính chất, mức độ, hành vi gây rối trật tự công cộng do “phe vé” gây ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi này sẽ vị bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, luật sư Thái cũng cho biết người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tự ý in vé giả hoặc chế bản lại vé bằng công nghệ cao để lừa dối người mua nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi năm 2017.

Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động