Một số điểm mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1-9-2021
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrước đó, ngày 7-7, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy định về BHXH bắt buộc. Theo đó, các quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2021. Chúng ta cùng điểm qua một số điểm mới nổi bật về chế độ BHXH bắt buộc tại Thông tư này.
Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy định về BHXH bắt buộc bổ sung nhiều điểm mới, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01-9-2021 (Ảnh minh họa) |
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư 06/2021 sửa đổi khoản 1 Điều 2 Thông tư 59/2015, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội .
Như vậy, trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng,… thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo nhóm đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng.
Sửa một số quy định để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn
- Từ ngày 01-01-2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của NLĐ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động. (khoản 1 Điều 16 Thông tư 59/2015 )
- Từ ngày 01-01-2021 trở đi, việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (sau đây viết tắt là Nghị định số 135/2020/NĐ-CP), trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
Quan tâm giải quyết một số vấn đề liên quan đến quyền lợi khi sinh con, chế độ thai sản
- Căn cứ Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
- Khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung hướng dẫn trường hợp thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với phép năm.
Cụ thể, khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì:
+ Thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ;
+ Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội.
- Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung quy định: "Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của NLĐ chưa phục hồi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại