Linh hoạt thực hiện quy định trong công tác thi tốt nghiệp THPT 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh Hội nghị |
Các địa phương linh hoạt trong việc bố trí địa điểm để vật dụng của thí sinh
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2022, trưởng điểm thi cần bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản các vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi.
Tuy nhiên, đại diện nhiều Sở GD&ĐT cho biết quy định này thiếu thực tế, nhất là với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM. Đây là hai TP có số lượng thí sinh dự thi rất lớn, diện tích nhiều trường nhỏ nên quy định này khó khả thi.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có 97.953 thí sinh đăng ký dự thi. Dự kiến, TP sẽ tổ chức 181 điểm thi tại các Trường THPT, THCS và Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TP với tổng số 4.070 phòng thi. Việc yêu cầu điểm bỏ vật dụng cách 25m rất khó khăn vì nhiều điểm thi không đủ diện tích giữa các phòng thi, chưa kể thiếu nhân lực trông coi và nếu trời mưa thì không biết xử lý như thế nào. Chính vì vậy, Hà Nội đề xuất cho các địa phương như Hà Nội sử dụng phương pháp cũ, tức cho tất cả vật dụng của thí sinh vào thùng giấy để bên ngoài phòng thi.
Đại diện các Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đồng tình với quan điểm của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và đề xuất cho địa phương này sử dụng phương án riêng sao cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, quy mô thí sinh của TP này rất lớn, hơn 86.000 thí sinh, có điểm thi đến 35 phòng thi với gần 800 thí sinh. Nếu để vật dụng cách 25m thì rất khó thực hiện. Vì vậy đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét lại quy định này sao cho phù hợp, nhất là với các TP có số lượng thí sinh đông như Hà Nội và TPHCM.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với quy định để vật dụng của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m, có thể cho phép các địa phương linh hoạt.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Tôi cho rằng việc bỏ các vật dụng vào thùng giấy như Hà Nội vừa đưa ra là dễ nhất. Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các địa phương có cách làm hay".
Không bắt buộc đeo khẩu trang trong phòng thi
Về đề xuất thay khẩu trang mới cho thí sinh trước khi vào phòng thi, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, hiện chúng ta đã có quy định cần bắt buộc đeo khẩu trang với đối tượng F0,F1.
Với các đối tượng khác, yêu cầu 5k hiện nay vẫn đang thực hiện. Quy định đeo khẩu trang trong cộng đồng chưa bãi bỏ nhưng trong phòng thi, các thí sinh cần áp dụng linh hoạt, theo đó có thể không đeo khẩu trang.
Riêng đối với thí sinh là F0 thì bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế. Cán bộ coi thi cũng phải tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang và mặc quần áo phòng hộ. Theo quy định mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành, quần áo phòng hộ có thể thay bằng áo choàng, dùng khẩu trang y tế hoặc N95.
Về quy định để vật dụng của thí sinh thi tốt nghiệp THPT cách phòng thi tối thiểu 25m, có thể cho phép các địa phương linh hoạt. Ảnh: Khánh Huy |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ càng, chủ động của các địa phương, đồng thời lưu ý 8 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, nhận thức kỳ thi này là tốt nghiệp THPT với mục tiêu là đánh giá kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả đó làm căn cứ xét tốt nghiệp, căn cứ điều chỉnh kế hoạch dạy học, căn cứ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực tổ chức kỳ thi chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo các địa phương.
Thứ hai, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản từ quy chế đến hướng dẫn kỹ càng, cùng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh, thành phố cũng phải có chỉ thị về công tác thi nhằm huy động tất cả các lực lượng, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn.
Thứ ba, vấn đề nhân sự, chọn nhân sự tham gia công tác thi, cần thực hiện chặt chẽ, nhất là một số vị trí quan trọng, đề nghị ngành Công an phối hợp với Sở để lựa chọn đúng người, giao đúng việc.
Thứ tư, làm tốt công tác tập huấn các cấp, quán triệt thông tin quy chế thi, trách nhiệm, vai trò từng vị trí tới từng thầy cô tham gia làm thi. Đề nghị BCĐ thi, BCĐ cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo đảm bảo chất lượng các lớp tập huấn.
Thứ năm, kiểm tra, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định, nhất là với phòng in sao đề, chấm thi,… và hệ thống phá sóng đảm bảo an ninh, an toàn. Những địa điểm gần nhà dân cần thận trọng trong quá trình triển khai.
Thứ sáu, có những biện pháp, phương án phòng chống dịch tốt nhất, đặc biệt trong 3 ngày thi.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cố gắng tăng kỷ cương kỷ luật, giảm vi phạm, ngăn chặn, phòng ngừa là chính. Thứ trưởng cho biết, số lượng thí sinh vi phạm giảm dần qua các năm, năm 2020 có 38 em, năm 2021 có 18 em và mong muốn đội ngũ làm thi cố gắng năm nay không có thí sinh nào vi phạm. Năm ngoái, vi phạm đều là những em mang điện thoại di động vào phòng thi, nên Thứ trưởng đề nghị, các giám thị nhắc đi nhắc lại các em kiểm tra kỹ, không để phạm lỗi này dù cố tình hay vô tình.
Cuối cùng, yêu cầu quan trọng là chế độ báo cáo cần được thực hiện đúng khi có vấn đề bất thường, báo cáo bằng văn bản sớm về Bộ để nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/7. Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra đến tất cả địa phương. Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các trường đại học. Các Sở GD&ĐT cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra mọi khâu nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại