Liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm "sạch" cho Nhân dân Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP đưa nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân |
Tập trung cao điểm “Tháng hành động vì ATTP”
"Tháng hành động vì ATTP" năm 2022 được triển khai trên toàn TP Hà Nội từ ngày 15/4 đến 15/5. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
"Tháng hành động vì ATTP" gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP. Cùng với đó là phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác này.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra được 14.755 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có 12.556 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội tiếp tục đi kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận Long Biên, quận Hai Bà Trưng quận Ba Đình và quận Cầu Giấy nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2022. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn một số nơi vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP.
Đưa nông sản “sạch” các tỉnh về với người dân Thủ đô
Theo Sở Công thương Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trên cả nước. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, TP hàng trăm nghìn tấn.
Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. “Hà Nội sẵn sàng phối hợp kết nối nông sản của các tỉnh, TP trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như: MM Mega Market, Big C, Aeon Mall... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, tính đến nay, Hà Nội đã hợp tác với 1.130 cơ sở của 22 tỉnh, TP phía Bắc và 23 tỉnh, TP miền Trung, miền Nam, mỗi tháng cung cấp hơn 92.600 tấn rau, củ, quả; gần 13.200 tấn thịt gia súc, gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11.300 tấn thủy sản; hơn 232.500 tấn gạo, lương thực, nông sản khác... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Các mặt hàng nông sản của các tỉnh, TP đưa về Hà Nội đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chủ động liên kết với các địa phương đã tạo điều kiện cho DN khai thác nguồn hàng cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong mọi tình huống.
“Để đưa nông sản "sạch" đến với người dân Thủ đô, thời gian tới, ngành Công thương Thủ đô tiếp tục triển khai việc bảo đảm ATTP; trong đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật, kiến thức thực hành sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP; Đồng thời triển khai hiệu quả Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, Đề án quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ sản phẩm thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho rằng, thời gian tới, các tỉnh, TP cần rà soát các chuỗi nông, lâm, thủy sản hiện có, lựa chọn nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh, TP tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại