Thứ hai 25/11/2024 06:23
Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Kỳ 3: Phút trải lòng của những "chiến sỹ áo trắng"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù biết rằng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu vẫn luôn dũng cảm, ngày đêm tận tâm, tận lực cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ, góp phần cùng thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Có những bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, dù nhà ở ngay Hà Nội, nhưng nửa năm trời vẫn không được gặp gia đình.
Kỳ 3: Phút trải lòng của những
Cùng với những đóng góp của lực lượng y tế trong hệ thống công lập thì lực lượng y tế ngoài công lập đã hỗ trợ đáng kể cho công tác phòng chống dịch tại Hà Nội.

Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"

Đó là những lời chia sẻ của Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khi nói về những ngày tháng chống dịch đầy thử thách và "chưa từng có trong tiền lệ" mà cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô đã trải qua.

Theo người đứng đầu ngành y tế Thủ đô, 2 năm chống dịch vừa qua là thời gian vô cùng khó khăn và đầy thách thức với ngành y tế nói chung và y tế Thủ đô nói riêng. Đó là những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ... Có những bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, dù nhà ở ngay Hà Nội, nhưng nửa năm trời vẫn không được gặp gia đình.

Những y tá, điều dưỡng… cả ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, giữa cái nóng 39-40 độ ngày hè để lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ người bệnh. Đó là những điểm tiêm chủng sáng đèn đến tận 2-3g sáng…

Chúng tôi là những người đã “không chọn việc nhẹ nhàng” ngày đêm sát cánh cùng người dân Thủ đô chiến đấu với dịch bệnh. Dù biết rằng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu vẫn luôn dũng cảm, ngày đêm tận tâm, tận lực cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ, góp phần cùng TP kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cùng với những đóng góp của lực lượng y tế trong hệ thống công lập, Hà Nội đã huy động được sự tham gia của lực lượng y tế ngoài công lập, đội ngũ tình nguyện viên lớn đã góp phần tạo nên những thành công trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo thống kê đến ngày 14-3, riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành (do Hội Thầy Thuốc Trẻ Hà Nội điều phối, vận hành) đã tiếp nhận và xử lý gần 2.000 cuộc gọi qua tổng đài 024 1022. Đây là các cuộc gọi đi bởi nhóm bác sỹ tình nguyện tham gia, chăm sóc sức khỏe chủ động cho F0. Số người tư vấn, chăm sóc (F0) là 1.078 người.

Trước đó, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành Hà Nội đã vận hành 1 tổng đài gọi ra và 1 tổng đài tiếp nhận thông tin, hỗ trợ hơn 1.300 F0 tại Hà Nội trong tháng 8 và tháng 9-2021. Giữa tháng 12-2021, khi số ca nhiễm tại Hà Nội tăng cao, UBND TP Hà Nội quyết định tái khởi động lại Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành Thủ đô. Các bác sỹ và tình nguyện viên của nhóm được chia thành 28 tổng đài chủ động gọi ra theo khu vực địa lý và một tổng đài tiếp nhận thông tin từ người dân. Điểm mới của mô hình lần này là sự kết hợp rất chặt với y tế địa phương cùng hỗ trợ F0 tại nhà.

Là một F0 tại nhà nhận được nhiều cuộc gọi đến từ bác sỹ của nhóm đồng hành, chị Hằng (ở Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: Khi cả nhà đều là F0, mình rất hoang mang nên gọi đến Tổng đài 024 1022 để được hỗ trợ. Lát sau, có nhân viên y tế của Tổng đài gọi đến hỏi và tư vấn kỹ càng. Từ hôm đó, Tổng đài 1022 ngày nào cũng gọi hỏi và tư vấn rất nhiệt tình, có hôm là bác sỹ ở BV Việt Đức, hôm thì ở BV Bạch Mai. Đến ngày thứ 10 thì nhân viên y tế của Tổng đài mới thông báo ngừng hỗ trợ và chiều đó mình test thì âm tính.

"Kể chuyện này để thông tin đến mọi người về Tổng đài 1022 vì nhiều người không biết gọi để xin tư vấn khi là F0 hoặc trong nhà có F0. Rất hữu ích đấy! Mình thực sự cám ơn các thầy thuốc của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành đã hỗ trợ rất nhiệt tình trong 10 ngày bị F0", chị Hằng chia sẻ.

Kỳ 3: Phút trải lòng của những
Khi công việc quá tải thì nhân viên y tế là F0 vẫn phải đi làm hoặc làm việc online tại nhà.

Quá tải công việc, nhiều nhân viên y tế là F0 vẫn phải đi làm

Trong hành trình 2 năm chống dịch thì đội ngũ nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở là lực lượng chịu nhiều áp lực với khối lượng công việc luôn ở mức dày đặc. Nhất là khi dịch bùng phát, số lượng F0 được đưa về điều trị tại tuyến quận, huyện và tiếp đến là điều trị tại nhà thì trọng trách của cán bộ y tế cơ sở càng trở nên nặng nề.

Ngoài thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khoẻ như tiêm chủng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm... thì nhiệm vụ đột xuất chưa có trong tiền lệ là thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19; cập nhật danh sách F0 lên hệ thống; tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc sức khoẻ cho F0 tại nhà. Công việc nối tiếp công việc không có hồi kết khiến nhiều người trở nên quá tải.

Trải lòng về những áp lực của cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm giãi bày: Có những thời điểm mỗi ngày có khoảng mấy trăm người gọi đến đường dây nóng để khai báo y tế nên việc tiếp nhận thông tin quá tải.

Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán BHXH cho F0 sau khi âm tính, đi làm trở lại chưa có sự thống nhất với bên y tế. Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về các loại giấy tờ cần thiết cho F0 nên khi người dân đến yêu cầu y tế xác nhận không được cũng bức xúc. Và cuối cùng là nhân viên y tế cũng nhiễm Covid-19 nhiều, không có lực lượng nào hỗ trợ, các F0 vẫn phải cố gắng đi làm nên dẫn đến mọi thứ đổ dồn lên nhân viên y tế.

Tình trạng cán bộ y tế là F0 vẫn đi làm không chỉ riêng ở Trạm Y tế phường Phú Đô mà ở nhiều trạm y tế tại Hà Nội trong thời gian qua cũng vậy. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trường Trạm Y tế phường Phúc La, quận Hà Đông cho biết: Nỗ lực cơ bản nhất là anh em làm hết ngày, hết công việc, có lúc làm đến 11g đêm vẫn chưa dừng. Đặc biệt lúc cao điểm ca F0 tăng, người dân báo lên quá nhiều thì anh em y tế gần như không có ngày nghỉ. Công việc luôn tay chân, mọi người làm giấy tờ trên máy, chuyển thông tin tư vấn đến cho người bệnh.

Đồng thời khi cán bộ y tế là F0 nhưng vẫn phải đi làm bình thường. Với người dân hay người lao động ở lĩnh vực khác khi là F0 thì được nghỉ nhưng cán bộ y tế vẫn có chủ trương nếu mệt mỏi thì nghỉ. Tuy nhiên, anh em đều có trách nhiệm trong công việc vì nghỉ cũng không được vì dân vẫn phải khai báo, lấy giấy tờ liên quan.

Thế nên nhiều bạn mệt không đến được nhưng vẫn phải tiếp nhận thông tin qua điện thoại và làm ở nhà-online. Khi F0 nghỉ làm thì hưởng chế độ theo BHXH nhưng với cán bộ y tế là F0 không nghỉ được nhưng đi làm thì không có chế độ gì hơn, mọi người thực sự tinh thần trách nhiệm.

"Nhiều khi đã bị F0 thì nói chuyện cũng mệt, nhưng dân gọi điện thoại đến liên tục nghe thì không có sức mà không nghe thì dân bức xúc vì gọi không được. Mọi người nhắc nhau rằng F0 nên giữ sức nhưng công việc thì nhiều, dân gọi đến vẫn phải nghe máy chứ không thể làm ngơ để "giữ sức" được", BS. Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự.

​​​(Còn nữa)

Kỳ 2: Hệ thống y tế luôn duy trì tốt vai trò nòng cốt Kỳ 2: Hệ thống y tế luôn duy trì tốt vai trò nòng cốt
Kỳ 1: Thận trọng trong từng quyết sách để luôn chủ động kiểm soát dịch Kỳ 1: Thận trọng trong từng quyết sách để luôn chủ động kiểm soát dịch
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động