Thứ hai 25/11/2024 02:01

Khắc phục vướng mắc trong tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an Nhân dân.
Khắc phục vướng mắc trong tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm
Khắc phục vướng mắc trong tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm

Bộ Công an cho biết dự thảo được xây dựng nhằm tạo điều kiện để công an cấp huyện hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong điều tra hình sự.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 như sau: Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo trình tự, thủ tục quy định, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an tiến hành lập biên bản tiếp nhận, phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT- VKSNDTC ngày 29/12/2017.

Cụ thể:

a) Đối với tố giác, tin báo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại, người làm chứng, người bị tố giác và những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận;

b) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại, người làm chứng, người bị tố giác và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.

Trong quá trình xử lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại điểm này mà có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 1;

c) Trạm công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận;

d) Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm hoặc cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét hoặc trưng cầu giám định ngay thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an phải báo ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 16 như sau: Trường hợp xác định không có dấu hiệu tội phạm hoặc tội phạm quy định tại Khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố thì dự thảo quyết định không khởi tố vụ án hình sự kèm theo bản báo cáo kết thúc việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, cùng hồ sơ, tài liệu liên quan báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cho ý kiến trước khi trình thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công (hoặc được ủy quyền); cấp trưởng hoặc cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an Nhân dân được phân công (hoặc được ủy quyền) duyệt, ký ban hành.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an Nhân dân phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động