Hơn 1.200 doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo tìm hiểu của PV, sau khi Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03-9-2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, không ít người tiêu dùng tỏ ra lo lắng nguồn cung ứng hàng hóa cho TP bị ảnh hưởng do Hà Nội triển khai thêm nhiều điểm kiểm soát, siết chặt kiểm tra giấy đi đường…
Chị Lê Kim Anh, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, chia sẻ: "Sau khi nghe báo đài thông tin về tình hình TP việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tôi đã đi mua đồ ăn dự trữ cho gia đình để phòng, chống dịch. Khi đến siêu thị thì thấy người mua hàng rất đông nên tôi rất lo những ngày tới thiếu lương thực, thực phẩm”.
Chị Hoàng Thanh, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, chia sẻ, trong tuần qua, gia đình chị khá lo lắng khi lượng thực phẩm mua sắm dự phòng cạn dần nhưng lại không đặt được đơn hàng lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, gia đình đang sống tại khu vực được xác định là "vùng đỏ" của TP nên rất lo lắng nguồn cung ứng hàng hóa cho TP bị ảnh hưởng do Hà Nội triển khai thêm nhiều điểm kiểm soát, siết chặt kiểm tra giấy đi đường theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 03-9-2021 của UBND TP Hà Nội.
Hà Nội luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu người dân.(ảnh: Văn Biên) |
Trước sự lo lắng của khôngg ít người dân Thủ đô, cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho TP, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội tăng cường phối hợp với các tỉnh, TP đảm bảo kết nối giao thương, cung ứng hàng hóa trong thời điểm giãn cách xã hội.
Theo Sở Công thương Hà Nội, về nguồn cung hàng hóa, hiện nguồn cung được đảm bảo dựa trên 2 nguồn chính là nguồn sản xuất trên địa bàn TP và nguồn kết nối của các tỉnh, TP trên cả nước.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, cùng với việc các doanh nghiệp phân phối chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; các cơ sở chế biến tăng công xuất cung cấp hàng cho hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%); hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội…
Ngoài ra, một số địa phương thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi thực phẩm, chợ đầu mối đã cung ứng cho thị trường Hà Nội lượng lớn thực phẩm…
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 80.000 tấn rau củ quả, 250 triệu quả trứng gà, gà thịt: 3.200 tấn, thịt lợn 15.000 tấn, thủy sản 4.000 tấn; tỉnh Hòa Bình cung cấp 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi các loại, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò; 1.500 tấn cá sông Đà, sản phẩm nông sản chế biến trên 300 tấn các loại; tỉnh Hà Nam cung cấp 20.200 tấn thịt lợn, khoảng 1.200 tấn thịt gia cầm đã qua kiểm dịch và các loại rau củ quả, gạo…
“Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng”, bà Lan nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại