Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo, khởi nghiệp sáng tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo, khởi nghiệp sáng tạo |
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo quy định về hỗ trợ đào tạo đối với DNNVV theo 2 hình thức là đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến. Theo đó, đào tạo trực tiếp gồm: Đào tạo khởi sự kinh doanh cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp cơ bản và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cung cấp kiến thức về quản trị kinh doanh cơ bản và chuyên sâu nhằm nâng cao kỹ năng vận hành, quản lý doanh nghiệp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh; đào tạo tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cung cấp kiến thức quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất chuyên sâu, huấn luyện thực tiễn tại hiện trường doanh nghiệp.
Đơn vị triển khai hoạt động hỗ trợ có thể lựa chọn hình thức đào tạo trực tiếp theo quy định, hoặc hình thức đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hoặc kết hợp giữa hai hình thức trên.
Việc lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ, Điều 21 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định: Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ theo một trong các phương thức sau đây:
1. Lựa chọn các doanh nghiệp có giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; hoặc được cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế; hoặc được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Lựa chọn các doanh nghiệp đã được đầu tư hoặc cam kết đầu tư bởi các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; được hỗ trợ hoặc cam kết hỗ trợ bởi các khu làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, các trung tâm đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về đầu tư.
3. Lựa chọn thông qua Hội đồng.
Dự thảo hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 thực hiện như sau:
Giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được trao cho DNNVV trong thời gian không quá 36 tháng tính đến thời điểm DNNVV nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thời hạn tính đến thời điểm DNNVV nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Hoạt động của Hội đồng bao gồm: Rà soát hồ sơ, đánh giá, lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phù hợp và các hoạt động liên quan cần thiết khác.
Dự thảo cũng quy định về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, chi phí tham gia các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài gồm: Học phí; chi phí vé máy bay khứ hồi 1 lần; chi phí đi lại, học phí; chi phí tài liệu; ăn, ở.
Đối với chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo gồm: Chi phí vé máy bay khứ hồi 1 lần; chi phí đi lại, ăn, ở tại nước sở tại; chi phí vận chuyển tài liệu, thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại