Thứ hai 25/11/2024 02:27

Hàm lượng dinh dưỡng bên trong mỗi chiếc bánh Trung thu?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một chiếc bánh Trung thu chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, tinh bột đường... Vì thế dù chỉ thưởng thức cùng lúc mỗi loại 1/4 miếng cũng có thể khiến bạn tăng cân và với người mắc bệnh tiểu đường có thể gây tăng đường huyết.
Hàm lượng dinh dưỡng bên trong mỗi chiếc bánh Trung thu?
Bánh Trung thu cung cấp nhiều năng lượng từ đường và chất béo

Năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò

Vào mùa trung thu khi bạn đi đến bất kỳ đâu cũng đều có thể được mời thưởng thức 1 miếng bánh Trung thu. Nếu bạn do dự ăn nhiều sẽ có nguy cơ thừa năng lượng, tăng cân thì gia chủ sẽ trấn an "ăn một vài miếng không béo được". Cứ như vậy bạn nghe xuôi tai và vô tư thưởng thức.

Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng thì mỗi miếng bánh trung thu chứa khá nhiều tinh bột đường, đạm, lypid... nên việc ăn thường xuyên dù chỉ 1/4 miếng mà không cân đối dinh dưỡng cũng có nguy cơ thừa năng lượng khiến bạn tăng cân sau mỗi dịp Tết Trung thu.

Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, do liên quan đến vấn đề bảo quản và để tạo hương vị đặc trưng nên đa số bánh có rất nhiều đường, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng. Bánh Trung thu cung cấp nhiều năng lượng từ đường và chất béo. Với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng thì các chất này là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.

Về thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh Trung thu, BS. Tiến cho biết: Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 gam cung cấp 566 Kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò).

Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.

Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở người béo phì hoặc rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường.

Bên cạnh đó, phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1- 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phỏ bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.

Trong khi đó, các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Hàm lượng dinh dưỡng bên trong mỗi chiếc bánh Trung thu?
Một chiếc bánh nướng, dẻo nhân đậu xanh, 1 trứng có trọng lượng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò)

Những lưu ý khi ăn bánh Trung thu

Bánh Trung thu chứa nhiều năng lượng, chất béo, đạm... nên khi ăn sẽ gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, với mỗi lứa tuổi, đối tượng khác nhau cần có chế độ ăn phù hợp để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Cụ thể, bánh Trung thu có nhiều chất béo, chất đạm động vật nên khó tiêu, vì vậy với trẻ nhỏ chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.

Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng; đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

Còn dưới góc độ an toàn thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu người tiêu dùng cần chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...); Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).

Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Hà Nội: "Truy " bánh trung thu "rởm" bán online
Cách làm bánh trung thu đặc biệt của người Giáy
Ham rẻ, nhiều người “bất chấp” mua bánh trung thu trôi nổi trên mạng
Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu nhập lậu
Thu giữ hơn 4.700 chiếc bánh trung thu “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động