Hà Nội: Xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, doanh nghiệp…, thời gian qua ATVSLĐ trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực |
Tai nạn lao động có xu hướng giảm
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.370 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ.
So với năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,6% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 14,5%; số vụ va chạm giao thông giảm 35,9%); số người chết giảm 16,4%; số người bị thương giảm 15% và số người bị thương nhẹ giảm 37,6%.
Bình quân 1 ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, năm 2021, TP Hà Nội xảy ra 275 vụ tai nạn lao động làm 298 người lao động bị nạn. So với năm 2020, trong năm 2021, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) giảm 16 vụ, số người chết giảm 16 người, số người bị thương nặng giảm 15 người so với năm 2020.
Qua số liệu báo cáo cho thấy, tình hình tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021 có chiều hướng giảm các vụ tai nạn lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp có trong khu vực quan hệ lao động và đối người lao động không theo hợp đồng lao động.
Để đạt được kết quả trên, năm qua, các cấp chính quyền, các Sở, ban ngành, đoàn thể của TP Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ; đăng ký kiểm tra chất lượng về hàng hóa nhập khẩu; chú trọng tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ; quan tâm công tác khen thưởng, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình có người bị tai nạn lao động... đã giúp cho công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn TP đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, năm qua, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thị xã, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về ATVSLĐ bằng các bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu tại các đơn vị, nhà xưởng, nơi sản xuất, phát tờ rơi,..
Trong đó, Sở LĐTB&XH đã tổ chức treo 150 banner, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 tại khu vực diễn ra Lễ phát động, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã treo 5.031 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động về ATVSLĐ trên các trục đường chính của quận, huyện, thị xã, cụm, điểm, khu công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Có 45/45 Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 1.215 lớp tập huấn cho 54.900 lượt cán bộ Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động tại cơ sở.
Ngoài ra, Sở Thông tin truyền thông, Công an TP, các Sở, ban, ngành TP cũng đều đẩy mạnh những hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp về công tác ATVSLĐ, qua đó góp phần nâng cao đáng kể về nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động cũng như toàn thể nhân dân về đảm bảo ATVSLĐ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ
Theo thống kê, mặc dù, tai nạn lao động (TNLĐ) có xu hướng giảm trong năm 2021 nhưng theo báo cáo công bố hồi tháng 3 năm nay của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, báo cáo cũng liệt kê 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.
Đó là vụ TNLĐ nghiêm trọng do bỏng than, xảy ra ngày 22/1/2021, tại Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hậu quả làm 1 người chết, 3 người bị thương.
Vụ TNLĐ xảy ra ngày 28/11/2021 tại công trình xây dựng căn hộ HA11SP12-89 khu đô thị Vinhomes Ocean Park thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, làm 1 người chết, 1 người bị thương.
Năm 2022, TP Hà Nội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ. Trong đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền TP sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ; xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân.
Cùng đó, các sở, ngành, đoàn thể doanh nghiệp sẽ quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ.
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn phù hợp. Nếu có đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
“TNLĐ sẽ khiến cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính thâm hụt, thậm chí có thể lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật gây ra không phải số tiền nhỏ. Chính vì thế, đã đến lúc đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quan quản lý Nhà nước để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả”, ông Dưỡng nhấn mạnh.
Ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2022 từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/5/2022. Theo đó, chủ đề của Tháng Công nhân năm 2022 là: “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 có chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, TP yêucầu các sở, ngành, địa phương cùng các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác AT VSLĐ; tổ chức các hoạt động chuyên đề ATVSLĐ và hoạt động cộng đồng (tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động...); Thăm hỏi tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại