Chủ nhật 24/11/2024 19:37

Hà Nội tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương thực hiện tốt công tác tư pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 6/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, cùng đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP, HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Hà Nội tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương thực hiện tốt công tác tư pháp
Quang cảnh hội nghị.

Những kết quả nổi bật

Tại hội nghị, Phó GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Nguyễn Công Anh đã báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2022. Theo đó, nhìn chung, công tác tư pháp trong năm 2023 được triển khai đồng bộ, bám sát Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, triển khai cơ bản toàn diện, đúng trọng tâm các nhiệm vụ được giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt.

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL thực hiện tốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố; hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh.

Hoàn thành việc kết nối, tích hợp, khai thác CSDL quốc gia về dân cư đối với 03 dịch vụ công trực tuyến (Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử) trên Cổng dịch vụ công thành phố; Phê duyệt phương án phân cấp TTHC với tỷ lệ đáp ứng trên 48% tổng số TTHC lĩnh vực tư pháp.

Công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực: Công tác quản lý hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, tổng số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố đến nay là 1.638 tổ chức với 5.061 luật sư hành nghề. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã kết nạp thêm: 273 luật sư; số lượng người tập sự hành nghề luật sư: 4.127 người; các luật sư đã tham gia 13.784 việc, đạt doanh thu hơn 776 tỷ đồng...

Về công tác quản lý hoạt động công chứng và thừa phát lại: Trên địa bàn thành phố hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng (10 phòng công chứng và 112 văn phòng công chứng) với 420 công chứng viên. Trong năm 2022, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố đã công chứng được 568.897 hợp đồng, giao dịch, nộp vào ngân sách hơn 38 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 11/2022 trên địa bàn thành phố hiện có 8 văn phòng thừa phát lại, với 76 thừa phát lại. Đối với kết quả hoạt động, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các văn phòng thừa phát lại đã tống đạt được 16.873 văn bản của tòa án; lập 3.424 vi bằng, tổng doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng.

Việc xây dựng, ban hành Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô được UBND TP triển khai kịp thời, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Hoàn thành việc sơ kết, tổng kết triển khai thi hành các Luật, Nghị định: Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; báo cáo sơ kết 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch.

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2023, GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm, như: Công tác xây dựng, thẩm định; kiểm tra, rà soát VBQPPL: Tổ chức thực hiện tốt và kịp thời công tác góp ý, thẩm định các dự thảo VBQPPL; Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung triển khai nhiệm vụ xây dựng VBQPPL theo Chương trình công tác của HĐND, UBND TP năm 2023. Hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL để triển khai thi hành các Luật mới ban hành giao chính quyền địa phương...

Hà Nội tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương thực hiện tốt công tác tư pháp
Giám đốc Sở Tư pháp TP Ngô Anh Tuấn trình bày phương hướng và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2023

Tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Kế hoạch phối hợp số 777/KH-BTP-UBNDTPHN.

Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hòa giải ở cơ sở: Tập trung triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình của Trung ương và thành phố về PBGDPL; Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua nhiều hình thức mới, phát huy mô hình hiệu quả, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp; quan tâm phổ biến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội, những nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, nhất là các kỹ năng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch để phục vụ Nhân dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định. Đảm bảo kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với Cơ quan Công an trong quản lý và khai thác các thông tin, dữ liệu về hộ tịch, dân cư.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, quốc tịch và chia sẻ thông tin, phân quyền truy cập thông tin và phối hợp khai thác thông tin giữa các cơ quan: Công an, Tư pháp, Ngoại giao và các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư, hộ tịch, quốc tịch. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm liên thông chia sẻ thông tin, phối hợp liên ngành chặt chẽ, kịp thời.

Tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đẩy mạnh ký số để giảm việc lạm dụng bản sao giấy và kiểm tra thông tin phát hiện giấy tờ giả. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng giải quyết hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi. Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi đồng bộ, thống nhất để kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục triển khai sâu rộng việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP qua mạng trực tuyến. Triển khai thực hiện hiệu quả các Quy chế 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 về việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP và Quy chế liên thông giải quyết TTHC về LLTP - Cấp Giấy phép lao động và thực hiện. Đề án liên thông TTHC Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước - cấp Phiếu LLTP.

Thực hiện đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực LLTP: Thực hiện việc tiếp nhận và cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vục công thành phố trên thực tiễn.

Công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Triển khai tuyên truyền thực hiện có hiệu các văn bản mới được ban hành trong; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như: Luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại, giám định tư pháp...

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số: Tăng cường việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện có hiệu quả, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được ban hành áp dụng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến các thủ tục: khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp phiếu LLTP và các thủ tục trong danh mục 25 dịch vụ công kèm theo Đề án số 06 và mở rộng rà soát, thực hiện các TTHC lĩnh vực tư pháp có đủ điều kiện tái cấu trúc, xây dựng quy trình điện tử.

Tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương và TP

Tại Hội nghị, UV BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả công tác tư pháp năm 2022 mà ngành đã đạt được. Sở Tư pháp đã rất chủ động, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương, phối hợp chặt chẽ với từng bộ, ngành của Trung ương để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra...

Hà Nội tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương thực hiện tốt công tác tư pháp
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Năm 2023, UBND TP Hà Nội đã đề ra các giải pháp chủ yếu cho công tác tư pháp, trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy; trong đó chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội;

Chỉ đạo thực hiện nghiêm 2 bộ Quy tắc ứng xử, Quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các kế hoạch công tác; kịp thời chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở; chỉ đạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác tư pháp, pháp chế của thành phố.

Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức hợp lý, phù hợp vị trí việc làm để phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân; xây dựng cơ chế huy động và tận dụng mọi nguồn lực ngoài ngành để tham gia vào công tác tư pháp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy trình công việc, chuẩn hóa, đơn giản hóa các TTHC; xây dựng, nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến toàn phần; xây dựng CSDL trong các lĩnh vực công tác của ngành.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc; thực hiện nghiêm công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hàng tháng; tiếp tục cắt giảm và kết hợp một cách hợp lý số lượng các cuộc họp, hội nghị; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong giải quyết yêu cầu của người dân; đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Hà Nội tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương thực hiện tốt công tác tư pháp
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu chúc mừng những thành tích công tác năm 2022 của Tư pháp Thủ đô

Tại hội nghị Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong năm qua Sở Tư pháp đã cố gắng thực hiện rất tốt công tác tư pháp. Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chúc mừng Sở Tư pháp với những kết quả đạt được trong năm 2022.

Bên cạnh đó, đồng chí Vụ trưởng đề nghị thời gian tới UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện sửa đổi Luật Thủ đô để trình Quốc hội; Quan tâm sâu sát, tạo điều kiện cho công tác Tư pháp phát triển bền vững. Đồng chí cũng mong muốn UBND TP tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành tạo điều kiện cho công tác THADS đạt kết quả tốt; làm tốt công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp…

Hà Nội bám sát chỉ đạo của Trung ương trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật Hà Nội bám sát chỉ đạo của Trung ương trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Hà Nội: Thực hiện công tác tuyển quân nghiêm túc, đúng quy định Hà Nội: Thực hiện công tác tuyển quân nghiêm túc, đúng quy định
Lê Mận
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động