Hà Nội tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng mà ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch. |
Hà Nội xác định chỉ phát triển khách sạn từ 3 sao trở lên
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính đến tháng 9/2022 trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch bao gồm cơ sở mua sắm là 31 cơ sở, 23 nhà hàng, 8 khi vui chơi giải trí, 1 khu thể thao.
Trong nội dung Quy hoạch phát triển du lịch định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng mà ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch. Vì thế, trong thời gian tới, Hà Nội cũng xác định các khu vực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn.
Theo đó, khu vực Hoàn Kiếm sẽ bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp, hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân để khai thác các công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp. Khu vực Tây Hồ và Ba Đình sẽ tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn.
Khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn tại các khu vực định hướng phát triển hệ thống công trình công cộng hỗn hợp, thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở… Khu vực huyện Đông Anh tập trung phát triển loại hình lưu trú cao cấp, quy mô lớn.
Khu vực Sơn Tây, Ba Vì sẽ tập trung phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ các khu nghỉ dưỡng đến khách sạn, homestay, phù hợp định hướng thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư; chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó GĐ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong hoạt động kinh doanh lưu trú, việc quản lý đối với khách du lịch lưu trú đặc biệt chú trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an ninh.
Vì thế, Hà Nội tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng như các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm bảo đảm sự phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển của ngành du lịch. Việc quản lý tốt còn góp phần phân bổ mạng lưới cơ sở lưu trú đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, cân bằng sự phát triển giữa các vùng; tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn chống các tác động tiêu cực đến môi trường.
Được biết, các loại cơ sở lưu trú du lịch tại Hà Nội hiện nay gồm: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch, các cơ sở lưu trú khác.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, Hà Nội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch; Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ; thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công bằng, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm, tiêu cực, gây khó khăn hoặc bao che cho đơn vị không thực hiện đúng quy định.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý linh hoạt, khoa học hệ thống cơ sở lưu trú theo phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nâng cao ý thức ứng xử văn minh trong du lịch.
Trải nghiệm của du khách là điểm cốt lõi
Ông Mauro Gasparotti - GĐ, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, đã chia sẻ giải pháp để du lịch Việt Nam thu hút khách ghé thăm, nhấn mạnh vào trải nghiệm dịch vụ. Có hai yếu tố chính cần được ưu tiên là trải nghiệm văn hóa và trải nghiệm bình yên thư thái - được gọi là lối sống “wellness”.
Đây là những yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du lịch địa phương trong dài hạn tại Việt Nam. Tuy trải nghiệm khách hàng là điểm then chốt trong ngành du lịch nghỉ dưỡng, việc thiết kế và khai thác yếu tố này còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể đến từ việc áp dụng quan điểm về BĐS nhà ở lên phân khúc nghỉ dưỡng.
Tại một dự án BĐS nhà ở như chung cư hay nhà phố, quá trình sinh hoạt hàng ngày của cư dân sẽ là yếu tố được chủ đầu tư chú trọng. Trải nghiệm ấy được mang đến bởi hệ thống tiện ích phục vụ các nhu cầu thường nhật, cùng dịch vụ quản lý vận hành ổn định và chuyên nghiệp.
Trong khi đó, những dự án BĐS nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ hai, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách.
Do đó, hướng tiếp cận sai có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là sự xuất hiện của những dự án có tổng thể kém hiệu quả: thiếu điểm nhấn, thiếu tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng. Những dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu của khách hàng lại không được đáp ứng.
Nhằm giải quyết vấn đề này, một số chủ đầu tư tìm đến các thương hiệu để hợp tác trong khâu thiết kế và vận hành. Tuy nhiên để đảm bảo thành công của dự án về lâu dài, thương hiệu có danh tiếng là chưa đủ.
Chủ đầu tư cần triển khai dự án một cách cẩn trọng từ khâu hoạch định đến khi dự án đi vào vận hành. Ông Mauro cho rằng, điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách tiếp cận từ “khai thác tối đa không gian” của BĐS chung cư sang “chú trọng trải nghiệm khách hàng” của ngành nghỉ dưỡng…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại