Thứ hai 25/11/2024 05:52

Hà Nội có thể xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến nay dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do dự xuất hiện các biến chủng mới. Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập; các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... đang có nguy cơ quay trở lại nên có thể xảy ra dịch chồng dịch.
Hà Nội có thể xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch
Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết được triển khai quyết liệt (ảnh M.T)

Tại hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2022, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục làm tốt vai trò trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thiết lập, duy trì hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh tử vong; triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà; đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn, từng cấp độ dịch.

UBND TP đã ban hành quyết định giao giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố với tổng số 7.330 giường bệnh trong đó 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Lũy tích từ đầu vụ dịch đến 30/6/2022, Hà Nội đã điều trị cho 1.607.208 trường hợp; trong 6 tháng đầu năm 2022, điều trị 32.197 trường hợp người bệnh Covid-19 các mức độ trung bình, nặng, nguy kịch tại bệnh viện, tử vong 1.395 trường hợp (tỷ lệ 0,08%) thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (0,4%). Từ ngày 19/4/2022 đến nay không ghi nhận tử vong do Covid-19.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội hiện đang được kiểm soát tốt. Số ca mắc ghi nhận có xu hướng giảm, từ 17/7-23/7, ghi nhận thêm 1.237 ca. Công tác tiêm chủng được đẩy mạnh, đặc biệt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và tiêm chủng mở rộng...

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây ghi nhận sự gia tăng trở lại số mắc bệnh và sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết đang có sự gia tăng. Dịch bệnh tay chân miệng lũy tích từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận 1.129 ca mắc. Với dịch sốt xuất huyết, tính đến 24/7/2022 ghi nhận 412 ca mắc (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Các ca bệnh phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã (205/579 xã, phường, thị trấn), type virus lưu hành là D1, D2. Hiện đã bước vào mùa dịch sốt xuất huyết nên ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số mắc, số tử vong trên địa bàn cả nước (số mắc tăng 156%, số tử vong tăng gấp 4 lần) nên trong thời gian tiếp theo dịch sẽ có diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, diễn biến dịch khó lường, dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt với sự xuất hiện các biến chủng mới; bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập; các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... đang có nguy cơ quay trở lại. Do đó hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ xuất hiện dịch chồng dịch.

Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, ông Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ; thường xuyên cập nhật, đánh giá nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, sinh phẩm, vật tư, trang bị và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chủ động. Tăng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động đối với các dịch bệnh lưu hành hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng; tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết Dengue, vệ sinh môi trường phòng tay chân miệng, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch…; thường xuyên cập nhật, phổ biến kiến thức, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông vận động phòng chống dịch, đặc biệt truyền thông vận động tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng phòng Covid-19...

Tại hội nghị, TS. Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, trong yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế Hà Nội tiếp tục trển khai việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Nâng cao chất lượng điều trị nội trú, kiểm soát tốt, phòng ngừa sự cố y khoa; rà soát, cập nhật các phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc người bệnh; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, điều trị ngoại trú. Triển khai thực hiện thông tư về kê đơn thuốc điện tử. Thực hiện lộ trình áp dụng chữ ký số, bệnh án điện tử tại các đơn vị trong ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành; duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn nhân viên y tế. Đảm bảo các điều kiện cho hoạt động khám chữa bệnh: củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; bổ sung trang thiết bị y tế; đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao trong hoạt động khám, chữa bệnh của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác y tế dự phòng được ngành y tế Hà Nội triển khai quyết liệt bằng việc đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: Covid-19, cúm, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, não mô cầu, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, bại liệt, bạch hầu, ho gà, sởi, phòng chống sốt rét và giun sán, phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, phòng chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng chống HIV/AIDS; tích cực phòng chống tai nạn thương tích-xây dựng cộng đồng an toàn, vệ sinh học đường, giám sát chất lượng nước; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động...

Cùng đó, hệ thống giám sát phát hiện dịch từ TP đến cơ sở được củng cố, tăng cường thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ, giám sát yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm được TP triển khai thường xuyên nhằm phát hiện, chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh tại cộng đồng; tiếp tục duy trì hoạt động đội phòng chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các đội tại TTYT quận, huyện, thị xã được trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng cơ động khi có dịch xảy ra.

Đi du lịch phía Nam về, nhập viện vì bệnh truyền nhiễm
Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 150%, Bộ Y tế phân tuyến quản lý người bệnh
Cập nhật tình hình dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động