Chủ nhật 24/11/2024 16:07

Giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 13-8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn...

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thường trực HĐND TP lựa chọn chuyên đề về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội vì sau đợt giám sát chuyên đề của HĐND TP vừa qua về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP đối với 8 sở ngành và 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân. Cử tri kiến nghị nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và qua kênh báo chí.

Những hạn chế này cần phải được HĐND TP và các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân. Đồng thời, đề ra giải pháp lộ trình khắc phục, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn TP. Thông qua phiên giải trình, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng để các Nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn TP để góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.

Sau khi xem phóng sự về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, các đại biểu đặt câu hỏi yêu cầu giải trình làm rõ những vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường:

Nhiều dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai với thời gian rất dài, chậm tới 5-10 năm, nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả như thế nào?;

Theo quy định, các dự án , dự án chậm triển khai thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Vậy, đến nay đã có bao nhiêu dự án được TP quyết định gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013?. Các dự án này đã được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định hay chưa?. Nếu có trường hợp dự án chưa xác định khoản bổ sung này thì lý do vì sao và cho biết biện pháp khắc phục?

Các sai phạm cũ của các chủ đầu tư trước đây. Trong số các dự án đã được nêu ra, có bao nhiêu nhà đầu tư đã vi phạm. Sở có phối hợp với Sở KHĐT công khai các nhà đầu tư cố tình vi phạm không? Việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa? Có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm?

Trả lời các câu hỏi trên của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Với các dự án chậm trễ 5-10 năm, có thể nói các dự án trên địa bàn TP được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, song bên cạnh đó có những dự án chậm tiến độ thậm chí vi phạm luật Đất đai.

giai trinh ve tinh hinh quan ly cac du an von ngoai ngan sach cham trien khai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời tại phiên giải trình sáng 13-8 (ảnh C.T)

Qua quá trình thanh tra, rà soát và giám sát của HĐND TP, các chủ đầu tư cũng có ý thức đưa đất vào sử dụng. Các nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm triển khai gồm: Thực hiện các dự án giai đoạn 2012-2017, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1-7-2014, quá trình chuyển tiếp có nhiều chính sách thay đổi trong đó có chính sách GPMB, nên các dự án chậm có nguyên nhân do chậm GPMB do thay đổi chính sách.

Chủ đầu tư chậm không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực thời gian GPMB các dự án.

Giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng, là nguyên ngân để các chủ đầu tư tập trung vốn, thị trường trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như giải ngân để ngân hàng cho vay; về quy hoạch, sau khi sáp nhập Thủ đô, Chính phủ chỉ đạo TP lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chính phủ phê duyệt, sau đó triển khai quy hoạch này thì TP tổ chức lập quy hoạch phân khu.

Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với QH chung và QH phân khu; liên quan đến Luật Đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây.

Về nguyên nhân chủ quan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.

Đối với các dự án chậm tiến độ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do năng lực tài chính và sự chủ động của các đơn vị. Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Vì thế, trong quá trình tham gia liên thông để cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án, thì Sở luôn kiểm tra thông tin này. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động