Giải pháp giảm ùn tắc trên con đường ra/vào Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm TP Hà Nội |
Được biết, toàn tuyến có 5 nút giao để ra vào, đó là: nút giao Pháp Vân (liên kết với đường Vành đai 3 Hà Nội); nút giao Thường Tín (liên kết với đường tỉnh 427); nút giao Vạn Điểm; nút giao Đại Xuyên (liên kết với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình); nút giao Cầu Giẽ (liên kết với QL 1 ở Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam).
Năm 2013, đề xuất nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ lên thành đường cao tốc được chấp thuận. Giai đoạn 2022 - 2025 Hà Nội đưa ra mục tiêu hoàn thành dự án xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc.
Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình UBND TP về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3. Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án trên 3.240 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội. Sở GTVT Hà Nội đề xuất sử dụng vốn ngân sách TP để thực hiện, giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP làm chủ đầu tư; đặt mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2025.
Trước đó, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 141 ngày 21/1/2020, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 471,ngày 15/4/2022. Dự án cũng đã được Bộ GTVT, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành T.Ư thẩm định, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật…
Tuyến đường được xây dựng để mở ra hướng kết nối thứ hai từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô vốn đang chịu áp lực giao thông cực kỳ lớn. Như vậy các xe ngoại tỉnh, hoặc có nhu cầu đi tránh khu vực cửa ngõ Thủ đô Hà Nội từ cao tốc Pháp Vân có thể di chuyển thẳng đến đầu cầu Thanh Trì để ra Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…
Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư, tiếp tục rà soát kỹ thiết kế cơ sở của Dự án, chỉ giới đường đỏ tuyến đường được duyệt, hiện trạng khu vực và các quy hoạch liên quan để làm cơ sở lập, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định hiện hành.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chi tiết quy mô các hạng mục công trình của Dự án. Trong đó đặc biệt lưu ý đến giải pháp, phương án thiết kế các công trình cầu, nút giao trên tuyến, đảm bảo khớp nối đồng bộ với các quy hoạch liên quan. Có biện pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo ATGT, an toàn lao động, giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Trung úy Nguyễn Tiến Minh, công tác tại đội Cảnh sát giao thông CA huyện Thường Tín đang làm việc tại nút giao Thường Tín để lên xuống trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: Công việc hàng ngày của chúng tôi là làm nhiệm vụ tại nút giao này. Nhằm đảm bảo hình hình an ninh trật tự, giữ thông suốt tuyến đường và giải quyết kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Tôi và các anh em thường xuyên giải quyết ùn tắt nên rất vất vả.
Đặc biệt trong các dịp lễ Tết, khi Cục Cảnh sát giao thông phân luồng để tránh ùn tắc tại trạm thu phí Pháp Vân, dù được huy động 100% lực lượng làm nhiệm vụ nhưng vẫn không giảm được ùn tắc vì lượng phương tiện ra tăng quá cao. Cung đường Pháp Vân-Cầu Giẽ có thể coi là nút thắt cổ chai của toàn tuyến, là nỗi ám ảnh không chỉ của người dân mà ngay cả lực lượng CSGT hàng ngày phải làm nhiệm vụ như chúng tôi.
“Trước thông tin Sở GTVT Hà Nội đã có Tờ trình UBND TP về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để giảm thiểu ùn tắc. Tôi thấy đó không chỉ là tin vui, tín hiệu đáng mừng mà còn là giải pháp toàn diện để giảm tải ùn tắt cũng như tai nạn giao thông trên toàn tuyến”, Trung úy Nguyến Tiến Minh cho hay.
Giao thông vốn là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội. Nên trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đề xuất đầu tư 5.500 tỷ đồng xây dựng thêm 6,7 km Đại lộ Thăng Long, nối trung tâm Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Việc có thêm dự án trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm TP Hà Nội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại