Chủ nhật 24/11/2024 21:57

Giá xăng dầu hôm nay 29/7: Giá dầu thế giới tiếp đà tăng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giá dầu thế giới được cập nhật vào lúc 6h ngày 29/7 (giờ Việt Nam), Theo Oilprice, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 97,29 USD/thùng, tăng 87 cent, tương đương 0,90%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 9 được giao dịch ở mức 107,14 USD/thùng...
Giá xăng dầu hôm nay 29/7: Giá dầu thế giới tiếp đà tăng

Giá xăng dầu hôm nay 29/7: Giá dầu thế giới tiếp đà tăng

Giá xăng dầu thế giới:

Giá dầu thế giới được cập nhật vào lúc 6h ngày 29/7 (giờ Việt Nam), Theo Oilprice, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 97,29 USD/thùng, tăng 87 cent, tương đương 0,90%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 9 được giao dịch ở mức 107,14 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu biến động trái chiều do lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn sẽ khiến nhu cầu năng lượng giảm, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm và tiêu thụ xăng phục hồi.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 52 cent lên 107,14 USD/thùng, sau khi tăng 2,22 USD hôm thứ tư. Ngược lại, dầu thô WTI của Mỹ giảm 84 cent, tương đương 0,86%, xuống còn 96,42 USD/thùng, sau khi tăng 2,28 USD trong phiên trước.

Giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch giữa buổi sáng 28/7 sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ “thu hẹp” trong quý II, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong quý II, tiêu dùng - thành phần đóng góp lớn nhất vào GDP Mỹ - chỉ tăng 1%, mức tăng chậm nhất trong vòng 2 năm qua; chi tiêu công và đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm; GDP giảm 0,9%.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures cho biết khi nhìn vào các con số suy thoái, nếu đó là sự chậm lại, thì sự chậm lại đó chỉ nhỏ thôi. Còn nếu nhìn vào số lượng cung và cầu đối với dầu, nguồn cung đang ở dưới mức trung bình và nhu cầu đang tăng hơn so với dự đoán.

Hiện các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu dầu của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước, giảm gấp 4 lần so với dự báo, trong khi nhu cầu xăng tăng 8,5%.

Theo các nhà phân tích của Citi, Mỹ đã củng cố vị trí là nhà xuất khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế đạt mức kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước khi WTI giao dịch với mức chiết khấu mạnh so với dầu Brent. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng dầu thô của Mỹ có thể bị “hãm lại” do thiếu thiết bị và nhân viên, cũng như hạn chế về vốn.

Giá cũng được hỗ trợ tăng bởi “cuộc chiến” về nguồn cung năng lượng giữa phương Tây và Nga. Theo Reuters, nhóm G7 đã quyết đạt được một cơ chế trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga trước ngày 5/12 để hạn chế nguồn thu từ dầu của Nga.

Trong khi đó, Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này của Nga có thể sẽ dẫn đến việc các nước châu Âu sẽ chuyển sang dùng dầu thô để thay thế cho khí đốt và đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn.

Các nhà phân tích của JP Morgan đã tăng tổng ước tính về nhu cầu dầu bổ sung từ khí đốt sang dầu thêm 700.000 thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, điều này có thể được bù đắp nếu nguồn cung từ Libya được khôi phục hoàn toàn.

Tuần tới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp và cân nhắc giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9 bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc tăng thêm nguồn cung.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 27/7 đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, hay 3/4 điểm phần trăm, trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” lạm phát đang tăng nóng ở nước này.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay:

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 còn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng).

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.735 đồng, còn 24.850 đồng một lít. Dầu hoả hạ 1.099 đồng một lít, còn 25.240 đồng. Dầu mazut là 16.540 đồng một kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng.

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 21/7. Như vậy kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 19 đợt điều chỉnh, trong đó có 13 đợt tăng, 6 đợt giảm.

Ở kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

Mới đây, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế với xăng dầu.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu.

Về phía Bộ Công Thương, Chính phủ giao theo dõi sát thị trường, điều hành chủ động và tìm kiếm các nguồn cung có giá ưu đãi; giám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bộ này cũng được giao kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.

Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động