Gia tăng bệnh nhân ngộ độc rượu dịp cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tính đến ngày 2-2 tại Trung tâm có gần 10 bệnh nhân điều trị liên quan đến rượu bia.
Bệnh nhân Long, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Sau 17 ngày điều trị (trong đó 5 ngày phải cấp cứu tích cực), bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài. Theo vợ của bệnh nhân, mỗi ngày anh Long uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối, kéo dài hơn 10 năm.
Bệnh nhân Thắng, 46 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An, nhập viện do uống rượu liên tục trong dịp cổ vũ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Bệnh nhân bị ngộc độc, nhập viện thì phát hiện tụy bị hỏng một phần, viêm gan, gan hơi to.
Hoặc một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang do buồn chuyện tình cảm gia đình nên đã tìm đến rượu và phải nhập viện cấp cứu. Gia đình bệnh nhân cho biết, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.
|
Bệnh nhân nam khác nhập viện trong tình trạng mê sảng, nằm trên giường bệnh, gương mặt thất thần, chân tay luôn giật và miệng vẫn không ngừng nói những câu hoàn toàn vô thức. Bệnh nhân này được người nhà đưa đến sau những ngày uống rượu triền miên, hôn mê, men gan tăng cao.
Trường hợp khác là bệnh nhân nam sinh năm 1985 nhập viện trong tình trạng suy tuỵ đặc biệt là tổn thương gan, men gan rất cao sau khi uống rượu triền miên vào các cuộc nhậu nhẹt cuối năm…
Nói về tác hại của rượu bia với sức khỏe, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
“Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh”, bác sỹ Nguyên cảnh báo.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013-2017 trên cả nước ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 25 nghìn người mắc và 22.213 người đi viện, có 130 người chết. Trung bình mỗi năm xảy ra 172,5 vụ ngộ độc với 4.442 người đi viện và 26 người chết.
Trong số các loại rượu gây ngộ độc thì rượu có hàm lượng methanol cao chiếm phần lớn với 106 người mắc và 23 người chết. Nguyên nhân do thị trường vẫn tồn tại loại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao. Do nhận nhận thức, hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng chưa cao…
Để phòng chống ngộ độc rượu trong dịp tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng vận động nhân dân tự giác cung cấp thông tin có liên quan đến các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm; cử cán bộ đến địa bàn phức tạp, trọng điểm về sản xuất, kinh doanh rượu để nắm tình hình; nhắc nhở, ký cam kết không sản xuất, bán các loại rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn; lên danh sách các đối tượng, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm sản xuất, tiêu thụ rượu không đảm bảo an toàn để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh…
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, thanh tra y tế, thanh tra an toàn thực phẩm… tăng cường trao đổi thông tin, kiếm tra với tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về an toàn thực phầm.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại