Giá đất nền tăng, Bộ Tài chính chỉ đạo chống thất thu thuế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại Hà Nội, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở vẫn tăng. Ảnh: G.B |
Phía Tây Hà Nội giá đất vẫn khó kiểm soát
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS, trong quý I và đầu quý II/2022, giá giao dịch BĐS bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán một số loại BĐS trong tháng 3 và đầu quý II/2022 tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá BĐS tại các địa phương này trong tháng 3 tăng khá cao ở nhiều loại hình so với tháng 2.
Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%. Bên cạnh đó, giá BĐS cho thuê tại Hà Nội và TP HCM tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng căn hộ chung cư cho thuê tại TP Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Phân khúc đất nền, đất thổ cư tại Hà Nội có biến động giá tăng, nhiều khu vực phía Tây Hà Nội xuất hiện tình trạng tăng giá nóng, lên gần 35-74%. Tại TP HCM, mặt bằng giá bán căn hộ tăng 3-4% so với quý trước và gần 10% so với cùng kỳ, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Loại hình đất nền, đất thổ cư rao bán tại TP HCM giá cũng tăng từ 10 -25%.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng BĐS sẽ là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng.
Chống thất thu thuế trong kinh doanh bất BĐS
Nhằm thắt chặt quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường BĐS, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương trong đó có Hà Nội và TP HCM.
Về phía Bộ Tài chính, ngày 27/4 đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương tham mưu giải pháp để xác định sát giá thị trường BĐS nhằm tránh thất thu thuế (hệ số, cơ sở dữ liệu...). Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan Nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công chức; hàng quý có báo cáo đánh giá kết quả chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS; kết quả thanh tra các hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng.
Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội dự kiến sẽ thành lập Ban chỉ đạo Quản lý hoạt động chuyển nhượng BĐS nhằm ngăn chặn hành vi khai không đúng giá chuyển nhượng, chống thất thu ngân sách Nhà nước, thống nhất nội dung và các bước tuyên truyền, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Thời gian qua tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hoặc trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Theo quy định hiện hành đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng BĐS, cá nhân phải nộp 2% tiền thuế trên giá chuyển nhượng, DN nộp 20% trên thu nhập. Hai cách tính thuế đang được áp dụng là dựa vào giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá thấp hơn khung quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít người mua và người bán "bắt tay nhau" để ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trước thực trạng này, đầu năm nay, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo CA các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, TP chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cục Thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, DN kinh doanh, chuyển nhượng BĐS... kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Cục Thuế TP Hà Nội, ngày 22/3/2022, Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản số 653/STP-BTTP gửi Hội công chứng viên TP Hà Nội và các tổ chức trên địa bàn TP về việc tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Sở Tư pháp yêu cầu, đối với tổ chức hành nghề công chứng, trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt và yêu cầu các công chứng viên của tổ chức mình thực hiện quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê khai giá thực tế mua bán, chuyển nhượng để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Đối với Hội công chứng viên TP, tăng cường hoạt động giám sát, hướng dẫn hội viên tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, pháp luật về thuế trong việc hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, DN kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách Nhà nước. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại