Thứ hai 25/11/2024 17:32

Đừng bao giờ tin “việc nhẹ, lương cao”!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều trường hợp lừa đảo việc làm qua các trang mạng xã hội với những lời hứa hẹn mật ngọt về "việc nhẹ lương cao" liên tiếp được ghi nhận. Những cạm bẫy lừa đảo xuyên quốc gia với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi được nhiều cơ quan đưa ra cảnh báo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.

Các nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng. Bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc... Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Điển hình như mới đây, báo chí thông tin về vụ việc do tin theo quảng cáo, mời chào "việc làm nhẹ, lương cao", liên tiếp 2 thanh thiếu niên ở Phú Yên bị lừa đưa sang Campuchia rồi đòi tiền chuộc. Rất may, cả 2 đã được giải cứu thành công, nhưng đây là lời cảnh báo đối với nhiều người.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, việc đưa người sang Campuchia có thể phân chia làm nhiều giai đoạn, đầu tiên là lôi kéo hoặc bắt giữ người Việt Nam đưa ra nước ngoài, tiếp theo là quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang Campuchia và giao cho đối tượng ở phía Campuchia. Đối với tất cả hành vi phạm tội nào thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều sẽ bị xử phạt theo luật pháp của Việt Nam.

Theo luật sư Thái, với những đối tượng tổ chức đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia, họ có thể bị xử lý về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 BLHS 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý về tội danh này.

Với trường hợp thực hiện hành vi với từ 5 đến 10 người, người phạm tội sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 348 Bộ luật này với khung hình phạt 5-10 năm tù. Bên cạnh đó, nếu đủ căn cứ chứng minh những đối tượng tổ chức đưa người vượt biên trái phép nhằm yếu tố vụ lợi, họ có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.

Hiện nay, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp. Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm như sau:

Người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại...của các đối tượng trên mạng xã hội.

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào.

Tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vẫn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho CQCA để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa gạt tuyển mộ công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao song thực chất là xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ, bị cưỡng bức lao động, ngược đãi và bị cưỡng đoạt tài sản.

Vỡ mộng lấy chồng giàu, cô gái lừa buôn người để bù đắp…
Yêu nhầm gã buôn người
Gã “buôn tiếp viên" dọa bán cô gái nếu không trả 7 triệu đồng
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động