Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TP Hà Nội về công tác quy hoạch: Làm rõ vướng mắc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo cuộc giám sát. Ảnh: Quochoi.vn |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo cuộc làm việc. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát.
Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, đại diện lãnh đạo HĐND, MTTQ Việt Nam TP và Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội.
Vẫn có những vướng mắc
Mở đầu cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, TP Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định. Lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng. Đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, với đặc điểm là đô thị đặc biệt, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Hà Nội cũng gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch. Đến ngày 7-3-2022 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo… Đặc biệt, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, báo cáo của TP đã chỉ ra nhiều vướng mắc, lúng túng cần tháo gỡ, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị khá cụ thể. Những đánh giá thẳng thắn, nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân từ những vấn đề liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện mà TP nêu ra sẽ là cơ sở thực tiễn rất sinh động, sát thực để xác định các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung cụ thể.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành lập Quy hoạch trước 31-12-2022
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã có các văn bản báo cáo Bộ KH&ĐT và Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch về kết quả triển khai công tác quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để lập quy hoạch TP thời kỳ 2021– 2030. Đến năm 2020, UBND TP đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch TP, thành lập Tổ công tác giúp việc, ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch, Quyết định giao cơ quan lập Quy hoạch TP; thành lập Hội đồng thẩm định dự toán; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại cuộc làm việc. |
Cùng với thông tin thêm về quá trình triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 7-3-2022, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31-12-2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, về chủ quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế. Sở KH&ĐT (Cơ quan lập quy hoạch TP), các sở, ngành và TP ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu...
Về nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ trong lập quy hoạch Thủ đô, trong đó, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm.
Cùng với đó, việc triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch được xác lập từ năm 2019, nhưng đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại thời điểm này, các bộ, ngành T.Ư và các địa phương cũng đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp; nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng gây khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại cuộc giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên trong Đoàn chia sẻ với khó khăn, lúng túng của TP trong công tác quy hoạch bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt, “trái tim” của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế cũng rất khác nhau giữa các khu vực.
Đồng thời, đề nghị TP Hà Nội tập trung kiến nghị những nội dung để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng quy hoạch; đề xuất rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi quy hoạch TP được duyệt...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các khó khăn, vướng mắc cụ thể của TP Hà Nội và đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo cụ thể hơn nữa, bổ sung thêm các vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra, những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai lập quy hoạch. Đồng thời đề nghị TP Hà Nội khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại