Thứ hai 25/11/2024 06:29

Đề xuất chưa công bố hết dịch, chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; Chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành; Chưa công bố hết dịch Covid-19.
Đề xuất chưa công bố hết dịch, chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành
Hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong do Covid-19 chưa ổn định, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện

Bộ Y tế vừa có Tờ trình đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại Tờ trình này, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; Chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, tiếp tục thực các biện pháp phòng, chống dịch chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; Chưa công bố hết dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; đẩy nhanh hơn nữa để hoàn thành sớm nhất việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo mục tiêu, tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, nghiên cứu, chủ động điều chỉnh linh hoạt, phù hợp theo hướng giảm dần các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Lý do Bộ Y tế đưa ra các đề xuất này bởi việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B thì việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023 trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/ theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.

Từ đó, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Về lý do chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, theo Bộ Y tế, bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc có tỷ lệ mắc bệnh (hiện mắc/mới mắc) tương đối cao trong một khu vực địa lý hoặc trong một quần thể nhất định.

Đối với dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vắc-xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Một số nước đã đưa các tiêu chí để xem bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành như chỉ số về tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vắc-xin cao ở nhiều độ tuổi đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao.

Còn tại Việt Nam đến nay cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững nhưng vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của vi-rút, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Trước hết yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cũng theo Bộ Y tế, việc công bố hết dịch Covid-19 có những thách thức như trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế nếu công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng (nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân…), trong tình trạng khẩn cấp, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội sẽ bị động.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có điều chỉnh phù hợp và không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.

Bộ Y tế: Chưa nên coi dịch Covid-19 là Bộ Y tế: Chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành"
Dịch Covid-19 có thể không chấm dứt được Dịch Covid-19 có thể không chấm dứt được
Một số người dân tại Hà Nội đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19 Một số người dân tại Hà Nội đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19
Đề nghị các đơn vị sớm mở chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 Đề nghị các đơn vị sớm mở chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19
Tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 có xu hướng tăng trở lại Tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 có xu hướng tăng trở lại
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động