Chủ nhật 24/11/2024 13:44

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường hay gặp, nhất là trong những ngày mưa. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng:

Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng người mắc bị viêm da cấp tính do chất được tiết ra từ côn trùng chạm vào da. Bệnh rất dễ gặp từ thời điểm tháng 6 tới tháng 9, trong mùa mưa lũ, giao mùa, sau vụ thu hoạch...

Nguyên nhân gây bệnh thường do 2 loại côn trùng là bướm đêm và kiến ba khoang gây ra.

Ngoài ra còn có: kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong… cũng có thể gây bệnh.

Cũng có thể do côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn, quần áo..., nếu không chú ý, chà xát phải côn trùng sẽ gây ra viêm da bọng nước.

Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc do côn trùng

- Tại vị trí viêm da do côn trùng xuất hiện phản ứng viêm da. Lúc đầu chỉ có một hoặc vài đám da đỏ, dài như vết cào xước, hơi phù nề, kích thước nhỏ. Sau đó xuất hiện mụn nước, bọng nước giữa dát đỏ.

- Nếu bệnh nhẹ, sau 3 - 5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ. Nếu nặng hơn, thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng, có thể trợt loét, hoại tử.

- Vị trí viêm có thể xảy ra bất kỳ nơi trên cơ thể nào nhưng hay gặp ở các vùng da hở.

- Khi bị tổn thương ở mắt có thể có sưng nề, trợt đỏ, chảy nước mắt;

- Các vị trí khác như nách, bẹn, sinh dục,... có thể sưng đau làm hạn chế đi lại.

- Bỏng rát, ngứa. Nếu bội nhiễm sẽ thấy đau nhức, khó chịu.

- Một số trường hợp tổn thương lan rộng có thể gây đau nhức, sốt, mệt mỏi, nổi hạch cổ, nách, hoặc bẹn tùy theo vùng tổn thương.

- Tái phát: Người bệnh có thể tái phát vài lần. Ở tập thể, có thể nhiều người bị bệnh tại cùng thời điểm. Trong một mùa mưa, trên cùng một bệnh nhân có thể bị bệnh vài lần.

Cách phòng tránh mắc viêm da tiếp xúc do côn trùng

Để phòng bệnh viêm da do tiếp xúc côn trùng vào thời điểm giao mùa hoặc mưa bão cần chủ động thực hiện các biện pháp để hạn chế tiếp xúc với côn trùng như:

- Nên đóng cửa hoặc làm lưới chắn côn trùng vào buổi tối hoặc khi mưa.

- Kiểm tra khăn mặt, quần áo, giường, chiếu... trước khi sử dụng.

- Vệ sinh môi trường xung quanh nhà; Lau dọn nhà cửa thường xuyên, tránh ẩm mốc.

- Đêm ngủ cần mắc màn, đóng kín cửa để tránh các loài ưa ánh đèn như loài thiêu thân bay vào.

- Phơi quần áo ở những nơi khô ráo, có ánh nắng. Thu quần áo sớm để tránh côn trùng ẩn nấp trong đó. Rũ sạch lại quần áo để hạn chế bụi bẩn bám lại.

- Nếu phát hiện côn trùng thì tránh tiếp xúc trực tiếp, tìm cách loại chúng đi mà không để côn trùng tiếp xúc với da của mình.

Và nếu không may bị bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về bôi.

Dị ứng da hay viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể điều trị dễ dàng bằng các loại kem bôi ngoài da. Tuy nhiên, không được chủ quan bởi nếu không vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm hoặc điều trị muộn có thể khiến viêm nặng hơn, vùng viêm lan rộng dẫn đến thời gian điều trị lâu hơn.

Gia Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động