Đại án buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng: Xét xử sơ thẩm 74 bị cáo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo được lực lượng chức năng đưa đến phiên tòa |
Tại phiên tòa này, bị cáo Phan Thanh Hữu (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 70 đồng phạm bị xét xử về tội “Buôn lậu”. Riêng Ngô Văn Thụy (nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
HĐXX gồm Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Thành, Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Đồng Nai; thẩm phán trung cấp Nguyễn Xuân Quang. Các Hội thẩm nhân dân gồm ông Đoàn Văn Đây, bà Cao Thị Én và bà Nguyễn Việt Hoài. Ngoài ra còn có 2 thẩm phán; 5 hội thẩm nhân dân và 3 thư ký dự khuyết cùng tham gia phiên tòa.
Đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai có kiểm sát viên Doãn Cao Sơn, thụ lý chính cùng các kiểm sát viên Nguyễn Phước Vinh, Nguyễn Chính Tâm và Đào Thị Quỳnh Giang. Ngoài ra còn thêm 3 kiểm sát viên dự khuyết.
Phiên tòa có 81 luật sư tham gia bào chữa cho 74 bị cáo trong vụ án; 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và có 43 người làm chứng. Tuy nhiên, có 1 bị cáo, một số luật sư có đơn xin vắng mặt, nhiều nhân chứng và người có quyền lợi liên quan vắng mặt.
Đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho rằng bị cáo vắng và các nhân chứng vắng mặt đều đã có đầy đủ lời khai trong quá trình điều tra nên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử do đó đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa. Nhiều ý kiến luật sư cũng đề nghị phiên tòa tiếp tục xét xử.
Theo cáo trạng, Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục hậu cần Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) có mối quan hệ quen biết từ trước. Vào khoảng tháng 5-2019, Viễn, Hữu, Thoại gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỷ đồng. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này và tìm khách hàng bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ phục vụ hoạt động buôn lậu.
Tính từ đầu tháng 3/2020 đến đầu tháng 1/2021, Viễn đã sử dụng các tàu Pacific Ocean, Western Sea vận chuyển xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam. Sau đó Hữu điều động tàu khác vận chuyển số xăng này vào nội địa với tổng cộng 197.824.853 lít để bán cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).
Từ nguồn xăng dầu này, Tứ đã cung cấp cho 7 đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh. Các đầu mối này tiếp tục bán cho các cơ sở bán lẻ xăng khác trên các địa bàn, trong đó có Đồng Nai. Riêng Vân với sự giúp sức của 4 bị cáo khác đã bán lẻ xăng cho rất nhiều người tại các cơ sở xăng trên địa bàn Bình Dương và TP.HCM.
Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, tổng giá trị hàng phạm pháp mà bị can Viễn và đồng phạm phải chịu trách nhiệm là 2.596.539.861.906 đồng. Bị can Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỷ đồng; Hữu thu lợi hơn 156,2 tỷ đồng; Thoại thu lợi hơn 22 tỷ đồng (Thoại đã bị Toà án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt 7 năm về tội buôn lậu); Tứ thu lợi gần 83 tỷ đồng; Vân thu lợi bất chính 18 tỷ đồng.
Viễn còn cùngvới Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, Chủ công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, Tp Hải Phòng) cùng góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Đức được hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng.
Liên quan đến đường dây này, ngày 15/7/2022, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù và Lê Xuân Thanh (nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội “Nhận hối lộ”.
Ngoài ra, nguyên Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh bị phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ” và “Không tố giác tội phạm”.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại