Công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả tốt sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong giai đoạn 2017-2021 huyện Gia Lâm tổ chức nhiều hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở |
Số vụ hòa giải thành đạt tỷ lệ bình quân 86,7%
Theo đó, huyện Gia Lâm hiện có 164 thôn, tổ dân phố, 168 tổ hòa giải với 1.148 hòa giải viên, có 86/168 tổ đạt "Tổ hòa giải 5 tốt", đạt tỷ lệ 51,2% số tổ hòa giải .
Triển khai công tác hòa giải, huyện Gia Lâm đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt tới chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội huyện, Đảng ủy các chi bộ, đảng bộ trực thuộc nâng cao công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của Nhân dân đối với công tác hòa giải;
Tăng cường đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi hoạt động của các tổ hòa giải, kịp thời phát hiện vụ việc phát sinh, chủ động hòa giải ngay tại cơ sở.
Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên được chú trọng, quan tâm. Trong giai đoạn từ ngày 01-01-2017 đến 30-10-2021, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố đã phối hợp tổ chức 309 cuộc tuyên truyền, phổ biến trực tiếp pháp luật về hòa giải và pháp luật liên quan đến hòa giải ở cơ sở đến các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân, với 56.742 lượt người dự.
Ngoài ra, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn, sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, hoạt động các câu lạc bộ, nhóm tuyên truyền pháp luật và hoạt động của tổ hòa giải. Hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn các xã, thị trấn từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Từ năm 2017 – 2021, tổng số vụ việc được tiếp nhận và tổ chức hòa giải là 1.443 vụ việc, hòa giải thành 1.286 vụ việc (đạt tỷ lệ bình quân 86,7%), hòa giải không thành 182 vụ việc, chưa giải quyết xong 15 vụ việc.
Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động của Tổ hòa giải và chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở đã được quan tâm bố trí từ ngân sách cấp huyện và cấp xã. Trong 5 năm (từ năm 2017 – 2021), huyện Gia lâm đã chi 850.000.000 đồng hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 100% hòa giải viên.
Cùng với đó, huyện còn hỗ trợ kinh phí tham gia Cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" cấp Thành phố, quốc gia, cấp xã đã chi 1.419.665.000 đồng hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở gồm chi thù lao cho hòa giải viên, chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải, chi hội nghị bầu hòa giải viên và chi hỗ trợ khác.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở
Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Thông qua công tác hòa giải gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nội dung tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Thành phố và huyện về hòa giải ở cơ sở;
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác hòa giải.
Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác hòa giải; quan tâm đến các lĩnh vực dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp như: quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng…;
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao chất hoạt động hòa giải, gắn với thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại tại địa phương.
Coi kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm ở từng địa phương, địa bàn dân cư; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở...
Huyện Gia Lâm kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30-7-2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách và quy định của các văn bản Luật liên quan; nâng mức chi cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở;
Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức tiến hành hòa giải của hòa giải viên; hướng dẫn cụ thể nguồn chi, hồ sơ và thủ tục thanh quyết toán việc chi thù lao cho hòa giải viên khi tham gia vụ việc hòa giải; ban hành hướng dẫn, quy định rõ việc bố trí, phân công cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; thường xuyên cấp phát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại