Thứ hai 25/11/2024 18:25

Con bị dọa "đưa lên bàn thờ" do mẹ vay tiền qua app

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chậm trả tiền lãi vay do cách tính “lãi mẹ đẻ lãi con” của các app, chị N.T.H.N (ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã từng bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa sẽ đưa các con chị “lên bàn thờ”.
Con bị dọa
Tin nhắn dọa đưa con "lên bàn thờ" của các đối tượng cho vay

Mẹ vay tiền qua app

Vì cần gấp tiền để gom hàng, chị N.T.H.N đã nghe theo lời bạn bè, mượn tiền của một số app cho vay trên mạng. Tuy nhiên, vì công việc làm ăn không thuận lợi, cộng với cách tính lãi mẹ đẻ lãi con của các app này, chị N. nhiều lần đã chậm trễ việc trả gốc lẫn lãi. Chị N. cho biết, ban đầu chị chỉ vay vài chục triệu đồng, nhưng không hiểu các app tính toán thế nào mà dồn lại con số chị nợ đã lên tới vài trăm triệu.

“Từ một số tiền không quá lớn bỗng chốc trở thành một con số khổng lồ, tôi thực sự không biết tìm đâu ra phương án để trì hoãn hoặc thanh toán số tiền trời ơi đất hỡi đó.” – chị N. cho biết. Và từ lúc ấy, cuộc sống chị bị đảo lộn vì những chiêu trò của các đối tượng chuyên đòi nợ của app.

Ban đầu, từ tên và số chứng minh thư chị N. cung cấp, các đối tượng tìm vào facebook của chồng chị N., từ đó lấy được thông tin cũng như ảnh của gia đình bao gồm bố mẹ chồng, chồng và các con chị N. Sau đó các đối tượng dùng ảnh này cắt ghép, dán vào một tấm pano với nội dung đối tượng truy nã rồi gửi vào tất cả những người có trong danh sách bạn bè trên facebook của chị N.

Chưa hết, từ list danh sách bạn bè của chị N., chúng lọc ra một số bạn bè của chị N. và gửi tin nhắn tới với nội dung rằng họ câu kết với chị N. để lừa đảo vay tiền. Tiếp đó thông qua các số máy điện thoại chị N. cung cấp ban đầu để tham chiếu, chúng gọi điện đến tạo sức ép bằng cách hăm dọa, cưỡng ép với mục đích để họ tác động giục chị N. trả tiền.

Cả một thời gian dài với những chiêu trò đó, chị N. thực sự khủng hoảng. Đáng sợ nhất theo chị N. đó là các đối tượng này còn điện đến khủng bố cả cô con gái mới 12, 13 tuổi của chị. “Rồi chúng nhắn tin cho chồng tôi qua facebook, rằng nếu không trả nợ, thì không chỉ là đòi miệng, mà sẽ xử lý con cái của tôi. Rằng sẽ đưa 3 đứa nhỏ “lên bàn thờ”. – chị N. hốt hoảng kể.

Tương tự, trên facebook tài khoản T.A cũng đã đăng tải một sự việc gây bức xúc dư luận về cách đòi nợ độc ác của một app “tín dụng đen”. Đó là trên facebook của T.A và người thân xuất hiện nhiều nick ảo chế ảnh lăng mạ, bôi nhọ danh dự của gia đình T.A. Điều gây bức xúc dư luận nhất là trong các hình ảnh đó có một tấm ảnh cáo phó dùng hình ảnh con gái mới 5 tuổi của T.A kèm những lời lẽ ác ý: “Lý do chết vì mẹ mượn nợ không trả nên con bị quả báo”…

Tháo gỡ các khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn

Việc bên cho vay thực hiện hành vi gọi điện hù dọa, làm phiền đến người nhà, người quen con nợ và tự ý đăng hình của họ lên mạng xã hội là hành vi trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc cho vay với lãi suất khủng, các tổ chức tín dụng cho vay qua app, qua web đã phạm vào Điều 201, Bộ luật hình sự 2015, quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Bên cạnh đó, việc bên cho vay qua app, web đòi nợ đến hạn bằng cách quấy rối điện thoại những người không liên quan đến khoản vay, là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ. Còn theo điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đồng thời hành vi “siết nợ” bằng cách đăng tải hình ảnh người vay lên mạng xã hội cùng với những lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, cũng phạm vào Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để ngoài những biện pháp quyết liệt, cần có sự phối kết hợp các nhiều các ban ngành. Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng Án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), trong Hội thảo hội thảo trực tuyến “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” vừa diễn ra tại Hà Nội đã cho biết, trong năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.

Trung tá Phương nhận định, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… nhằm len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền…

Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài những biện pháp tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chính quyền tăng cường xử lý những tổ chức tín dụng đen… Trung tá Phương còn cho rằng, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19;

Kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động