Cô gái mất hơn 800 triệu đồng khi tuyển dụng "bán hàng online"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCô gái mất hơn 800 triệu đồng sau khi được tuyển làm "nhân viên bán hàng online” |
Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tiến hành khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang tích cực điều tra để làm rõ.
Nạn nhân trong vụ án này là chị P.T.H, SN 1990, trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 822 triệu đồng
Theo điều tra, ngày 3/1/2022, trong quá trình truy cập ứng dụng Facebook, chị H thấy có thư mục quảng cáo hiện thị "Tuyển dụng 2" cùng dòng chữ “Gửi tin nhắn”. Do đang có nhu cầu tìm việc làm nên chị H đã kích vào mục trên để tìm hiểu và nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger với nội dung “Tuyển dụng nhân viên bán hàng online”.
Chị H chủ động để lại số điện thoại, sau đó tài khoản Zalo tên “Nguyễn Thùy Dung” kết bạn và tự giới thiệu là chuyên viên tư vấn của Shoppe yêu cầu chị H cung cấp thông tin cá nhân, trong đó tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, Dung cấp cho chị H một mã cộng tác viên ký hiệu là A688 rồi gửi các đường link (mỗi đường link mà Dung gửi tương ứng với một sản phẩm, các sản phẩm này đều thuộc trang web Shoppe.vn) và bảo chị H nhấp vào đường link này sẽ thấy mã sản phẩm kèm giá tiền.
Ngoài ra, Dung còn cung cấp một tài khoản ngân hàng Techcombank mang tên “PHAM THU HA” và hướng dẫn chị H thực hiện thao tác mua sản phẩm có trong đường link rồi thanh toán bằng cách chuyển tiền đến số tài khoản trên.
Khi đã chuyển tiền qua ứng dụng Banking, khoảng 10 phút sau, tài khoản chị H nhận được số tiền đã mua sản phẩm cùng với 10% hoa hồng giá trị sản phẩm, Dung cho biết đây là hình thức kích cầu cho gian hàng đề tăng doanh số bán hàng.
Với cách trên, lần đầu Dung gửi cho chị H đường link của mã sản phẩm có giá 340.000 đồng, chị H chuyển tiền đặt mua sản phẩm này và nhận lại 374.000 đồng, tiếp đó, đối tượng này gủi đường link của mã sản phẩm có giá 220.000 đồng và một mã sản phẩm có giá 639.000 đồng, kết quả chị H nhận lại được tổng là 944.900 đồng.
Do ham lợi nhuận, chị H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo dẫn dắt. Thậm chí, có đối tượng gọi cho chị H và tự nhận là “kế toán của Shoppe”. Sau khi bị các đối tượng dẫn dắt mua bán lòng vòng, chị H đã chuyển số tiền lớn cho các đối tượng là hơn 822 triệu đồng. Đến lúc này, cả Dung và “kế toán Shoppe” đều biến mất. Sau đó, chị H đã đến trình báo với cơ quan công an.
Trước đó, nhiều vụ việc khác cũng có những chiêu thức lừa đảo tương tự, như nhắm vào bán hàng, nhắm vào việc thanh toán các đơn hàng, và hình thức này thường lừa được những số tiền lớn, vài chục, vài trăm triệu và đến 1 tỷ. Có thể thấy rằng, đối tượng thực hiện tội phạm này đã có sự chuyển hướng rất rõ. Trước kia, đối tượng lừa đảo phần lớn là thanh, thiếu niên không lo ăn học mà đua đòi ăn chơi, tham gia vào các trò chơi trên mạng, theo những bạn bè xấu hoặc tìm tòi các diễn đàn trên mạng để học cách sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm tiêu xài cá nhân. Nhưng hiện nay, những đối tượng lừa đảo có tổ chức, tinh vi hơn và am hiểu thương mại điện tử hơn. Cá biệt có trường hợp từng bị lừa nên đi lừa lại, với sự trợ giúp của người nhà là nhân viên ngân hàng để làm khống các lệnh chuyển tiền giả. Nhu cầu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet tăng cao trong bối cảnh thích ứng dịch bệnh sẽ làm cho người dùng đối diện với hình thức lừa đảo này nhiều hơn. Thủ đoạn hành vi chiếm đoạt tài sản qua mạng không mới nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này Các vụ việc lừa đảo tiền tỷ gần đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng mạng xã hội. Mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác trong quá trình sử dụng mạng xã hội, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, cơ quan Công an khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại